MỤC LỤC
1. Khái niệm tranh chấp hợp đồng
Trong các văn bản pháp luật không có khái niệm “tranh chấp hợp đồng”. Tuy nhiên, tiếp cận ở góc độ của khoa học pháp lý tranh chấp hợp đồng được hiểu là những xung đột, bất đồng, mâu thuẫn giữa các bên về việc thực hiện hoặc không thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng.
Tranh chấp hợp đồng được thể hiện ở nhiều dạng khác nhau có thực tiễn. Sự đa dạng của tranh chấp hợp đồng là điều dễ hiểu bởi hoạt động giao kết và thực hiện hợp đồng của các chủ thể trong các giao dịch hết sức phong phú. Tranh chấp hợp đồng thường hình thành từ sự vi phạm hợp đồng, nhưng không phải sự vi phạm hợp đồng nào cũng dẫn đến tranh chấp.
Tranh chấp hợp đồng phải hội đủ các yếu tố sau :
– Có quan hệ hợp đồng tồn tại giữa các bên;
– Có sự vi phạm nghĩa vụ (hoặc cho rằng là vi phạm nghĩa vụ) của một bên trong quan hệ đó;
– Có sự bất đồng ý kiến của các bên về sự vi phạm hoặc xử lý hậu quả phát sinh từ sự vi phạm.
Tranh chấp hợp đồng có thể biểu hiện ở nhiều trạng thái khác nhau nhưng chủ yếu bắt nguồn từ việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các thỏa thuận trong hợp đồng. Việc phân loại tranh chấp hợp đồng trong khoa học pháp lý chỉ có ý nghĩa cho sự phân định thẩm quyền giữa các tòa án, giữa tòa án với trọng tài. Các tranh chấp thương mại có thể thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại, nếu các bên có thỏa thuận trọng tài hợp lệ; các tranh chấp dân sự thuần tuý không thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài. Trên thực tế, việc xác định chính xác tranh chấp hợp đồng trong nhiều trường hợp không đơn giản. Tranh chấp hợp đồng không phải chỉ có các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng được soạn thảo rõ ràng bằng văn bản. Thực tế xét xử trong ví dụ dưới đây cho thấy, ngay cả các thẩm phán còn rất máy móc và cứng nhắc trong việc nhận diện có quan hệ hợp đồng hình thành hay chưa.
2. Đặc điểm của tranh chấp hợp đồng
Tranh chấp hợp đồng có những đặc điểm sau:
– Các bên là chủ thể có quyền cao nhất định đoạt việc giải quyết tranh chấp (trừ những quan hệ hợp đồng ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước). Điều này cũng dễ lý giải bởi tranh chấp phát sinh trực tiếp từ quan hệ hợp đông, hình thành trên cơ sở tự do, tự nguyện ý chí của các bên giao kết, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các bên;
– Tranh chấp hợp đồng luôn gắn với lợi ích của các bên tranh chấp, vì quan hệ hợp đồng gắn kết các bên bởi lợi ích, do đó cũng dễ phát sinh tranh chấp khi xung đột về lợi ích;
– Nguyên tắc giải quyết tranh chấp hợp đồng là tự nguyện, bình đẳng,thỏa thuận.
3. Các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng
Có nhiều phương thức khác nhau để giải quyết tranh chấp. Thực tiễn và khoa học pháp lý ghi nhận bốn phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng phổ biến sau:
– Thương lượng;
– Hòa giải;
– Trọng tài;
– Tòa án.
Các phương thức giải quyết tranh chấp này được thừa nhận rộng rãi trên thế giới, trong đó giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại bằng con đường trọng tài là hình thức phổ biến và được ưa chuộng nhất. Việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp nào chủ yếu phụ thuộc vào sự định đoạt của các bên, có trường hợp các bên bị ràng buộc bởi thỏa thuận trong hợp đồng (ví dụ: thỏa thuận chọn trọng tài) hoặc có trường hợp do bên bị vi phạm tự lựa chọn phương thức phù hợp nhất. Mỗi phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng đều có những ưu, nhược điểm riêng. Luật sư có vai trò rất quan trọng trong việc tư vấn cho các bên lựa chọn được phương thức quyết tranh chấp tối ưu nhất.
Thương lượng
Thương lượng là việc bàn bạc nhằm đi đến thỏa thuận giải quyết một vấn đề nào đó giữa hai bên. Thương lượng là hình thức giải quyết tranh chấp không chính thức, không có sự can thiệp của bất kỳ cơ quan nhà nước hay bên thứ ba nào. Thương lượng thể hiện quyền tự do thỏa thuận và tự do định đoạt của các bên. Hầu hết các tranh chấp hợp đồng tranh chấp đều các các bên tự giải quyết bằng con đường thương lượng. Thương lượng trong giải quyết tranh chấp đã trở thành tập quán thương mại lâu đời, được các thương nhân ghi nhận và dường như trở thành nếp xử sự truyền thống trong đời sống doanh nghiệp. Phần lớn các điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng, các bên đều quy định việc giải quyết tranh chấp bằng thương lượng khi có sự vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, đây là điều luật mang tính tuỳ nghi, không được hiểu là một quy định bắt buộc. Việc các bên bỏ qua giải pháp này và tiến hành khởi kiện ra trọng tài hay tòa án không ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp này.
Giải quyết tranh chấp bằng thương lượng trở thành phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến và được các nhà kinh doanh ưa chuộng bởi những lợi thế riêng của nó. Các lợi thế của hình thức này bao gồm:
– Không đòi hỏi thủ tục phức tạp;
– Không bị ràng buộc bởi các thủ tục pháp lý ngặt nghèo;
– Hạn chế chi phí;
– Ít phương hại đến mối quan hệ giữa các bên;
– Giữ được bí mật kinh doanh.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng là đòi hỏi cả hai bên đều phải có thiện chí, trung thực và có tinh thần hợp tác cao, và dường như mỗi bên đều phải chia sẻ lợi ích mới hi vọng có thương lượng thành công. Thực tế cho thấy thông thường thương lượng được sử dụng hiệu quả đối với những tranh chấp đơn giản và các bên trong quan hệ tranh chấp có thiện chí cao.
Hòa giải
Hòa giải là việc thuyết phục các bên đồng ý chấm dứt xung đột hoặc xích mích một cách ổn thỏa. Giống với thương lượng, hoà giải cũng là hình thức giải quyết tranh chấp không chính thức do các bên lựa chọn. Khác với thương lượng, giải quyết tranh chấp bằng hòa giải có sự tham gia của bên thứ ba. Bên thứ ba này do hai bên lựa chọn làm vai trò trung gian giúp các bên tìm ra giải pháp thích hợp giải quyết xung đột, chấm dứt các bất hòa, mâu thuẫn. Hòa giải có những ưu điểm và nhược điểm giống thương lượng. Tuy nhiên, giải quyết tranh chấp bằng hòa giải có ưu đi riêng, đó là với sự tham gia của người thứ ba trung lập, dường như các bên dễ gặp nhau hơn trong các thỏa thuận.
Có hai hình thức hòa giải được đề cập trong khoa học pháp lý đó là hòa giải ngoài tố tụng và hòa giải trong tố tụng. Hòa giải ngoài tố tụng là hình thức hòa giải được các bên tiến hành trước khi đưa vụ tranh chấp ra cơ quan tài phán. Hòa giải trong tố tụng là việc hòa giải được tiến hành tại cơ quan tòa án hoặc cơ quan trọng tài sau khi các cơ quan này thụ lý đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp của các bên. Sự khác nhau cơ bản thể hiện ở hiệu lực pháp lý của kết quả hòa giải. Khi các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết tranh chấp, Thẩm phán/Hội đồng xét xử hoặc Hội đồng trọng tài lập biên bản hòa giải và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự và quyết định này khi có hiệu lực sẽ được thi hành bởi cơ quan thi hành án dân sự. Nếu một bên không tự nguyện thi hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự thì một bên có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án thực hiện việc cưỡng chế, trong khi đó nếu một bên không thi hành thỏa thuận đạt được trong hòa giải ngoài tố tụng thì bên còn lại chỉ có thể khởi kiện ra có quan tòa án hoặc trọng tài để giải quyết.
Điều này tạo nên một trong những hạn chế của hình thức giải quyết bằng hòa giải là một bên có thể lợi dụng việc hòa giải để trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ hoặc kéo dài thời gian ảnh hưởng
khi hiệu khởi kiện của bên kia.
Cũng như thương lượng, hòa giải là hình thức giải quyết tranh chấp được các nhà kinh doanh ưa thích và sử dụng thường xuyên. Hòa giải cũng thể hiện quyền tự định đoạt cao của các bên, mặc dù có sự tham gia của bên thứ ba không có quyền can thiệp vào sự tự nguyện, tự quyết của các bên, kể cả cơ quan tòa án.
Trọng tài
Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp theo đó các bên tự lựa chọn một bên thứ ba trung lập, khách quan, là trọng tài viên hoặc Hội đồng trọng tài đứng ra giải quyết tranh chấp, bất đồng phát sinh.
Giống với thương lượng, hòa giải, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được hình thành trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận lựa chọn của các bên. Trọng tài không có thẩm quyền đương nhiên như Tòa án, thẩm quyền của trọng tài được hình thành từ sự thỏa thuận của các bên. Các bên có quyền lựa chọn trọng tài viên, lựa chọn quy tắc tố tụng để giải quyết tranh chấp. Khác với thương lượng, hòa giải, trọng tài là một hình thức tài phán. Điều đó thể hiện trọng tài có quyền đưa ra quyết định giải quyết vụ việc và quyết định này có giá trị cưỡng chế thi hành đối với các bên..
Có hai hình thức trọng tài, trọng tài vụ việc hay trọng tài thường trực.
Trọng tài vụ việc là hình thức trọng tài được thành lập tạm thời để giải quyết một tranh chấp cụ thể khi có yêu cầu của các bên và tự giải thể sau khi giải quyết xong vụ việc. Giải quyết
tranh chấp bằng Trọng tài vụ việc thủ tục hết sức đơn giản, không phụ thuộc vào một quy tắc tố tụng nhất định nào, phương thức hoạt động rất linh hoạt, nhanh gọn, phù hợp với những tranh chấp đơn giản, các bên có yêu cầu giải quyết nhanh chóng.
Hình thức trọng tài vụ việc không có bộ máy cố định, không có danh sách trọng tài viên, không có quy tắc tố tụng riêng. Ở Việt Nam, hình thức trọng tài này cho đến thời điểm hiện nay chỉ được quy định trong các văn bản pháp luật mà chưa có hoạt động thực tế. Hình thức trọng tài này khó được các bên tranh chấp lựa chọn bởi thông thường hình thức này được thiết lập sau khi đã có tranh chấp, khi đó các bên khó thống nhất được việc lựa chọn trọng tài viên cũng như quy tắc tố tụng. Hơn nữa, vì không có thiết chế, tổ chức, chỉ cá nhân trọng tài viên với uy tín và trình độ chuyên môn độc lập dường như không đủ làm cho các bên tranh chấp tin cậy.
Khác với hình thức trọng tài vụ việc, trọng tài thường trực là hình thức trọng tài có bộ máy, có bộ phận nhân sự, tồn tại liên tục để giải quyết tranh chấp, có danh sách trọng tài viên riêng và quy tắc tố tụng riêng. Hiện nay Việt Nam có một số trung tâm như : Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Trung tâm trọng tài thương mại Hà Nội, Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế Á Châu, Trung tâm trọng tài thương mại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm trọng tài thương mại Cần Thơ…Các trung tâm trong tài này là các tổ chức phi chính phủ, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.
Giải quyết tranh chấp bằng con đường trọng tài có nhiều ưu điểm, đó là thủ tục đơn giản, nhanh chóng, trọng tài viên thường là những chuyên gia giỏi và có uy tín, không bị chi phối bởi bất kỳ tác động nào; giữ được bí mật kinh doanh và uy tín của các bên; phù hợp nhất cho việc giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài vì không mang tính quyền lực tư pháp của Nhà nước. Hạn chế của trọng tài là chi phí trọng tài cao. Tuy nhiên đây không là hạn chế đáng kể. Trước đây việc thi hành phán quyết trọng tài là một trong những hạn chế của hình thức giải quyết tranh chấp này nhưng hiện nay phán quyết trọng tài được áp dụng cơ chế thi hành án dân sự, tạo yên tâm cho các doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy các doanh nghiệp trong nước ít sử dụng trọng tài để giải quyết tranh chấp. Các tranh chấp hợp đồng kinh doanh – thương mại hiện nay chủ yếu được giải quyết bằng con đường Tòa án. Các doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng cũng chưa có thói quen lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hoặc soạn thảo điều khoản trọng tài quá sơ sài dẫn đến điều khoản trọng tài bị vô hiệu, gây hậu quả bất lợi khôn lường.
Ngoài ra, thực tiễn ký kết hợp đồng cũng cho thấy các bên chưa có ý thức và nhận thức rõ ràng ý nghĩa của điều khoản trọng tài nên đã không chú trọng nhiều đến điều khoản trọng tài, khi đối tác lựa trọng tài nước ngoài giải quyết tranh chấp bị đẩy vào thế yếu và thiếu chủ động.
Tòa án
Tòa án là hình thức giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động của cơ quan tài phán nhà nước, nhân danh quyền lực nhà nước để đưa ra các phán quyết buộc các bên có nghĩa vụ thi hành.
Khác với trọng tài, quyền lực của trọng tài được tạo bởi các bên tranh chấp còn quyền lực của tòa án là quyền lực của Nhà nước. Tòa án là hình thức tài phán đại diện cho quyền lực tư pháp của Nhà nước, có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp.
Giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng tòa án có những lợi thế nhất định, song có thể nói việc các bên tranh chấp thường lựa chọn cơ quan tòa án hơn lựa chọn trọng tài lại không được quyết định bởi các ưu thế của tòa án mà đó dường như là do thói quen và sự tin tưởng vào quyền lực công của các doanh nhân.
Bên cạnh đó, việc xét xử hai cấp của hệ thống tòa án, ngoài mặt trái thể hiện trong thực tiễn đó là việc kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp, xét về mặt tích cực thì việc xét xử hai cấp có ưu điểm giúp cho các bên có cơ hội phát hiện và khắc phục những sai sót trong quá trình giải quyết tranh chấp của tòa án cấp dưới. Mặt khác, án phí thấp hơn phí trọng tài cũng là một trong những lợi thế của phương thức giải quyết tranh chấp này. Song hạn chế của việc giải quyết tranh chấp bằng tòa án là thủ tục tố tụng chặt chẽ thường làm cho quá trình giải quyết tranh chấp bị kéo dài.
Nhấn vào đây để quay về chuyên trang luật sư tư vấn doanh nghiệp hoặc liên hệ luật sư tư vấn doanh nghiệp : 0904 902 429 0913 597 479