MỤC LỤC
- 1. Luật sư làm thủ tục để tham gia bào chữa
- 2. Luật sư tham gia lấy lời khai của người bị tạm giữ, hỏi cung bị can và các hoạt động điều tra khác
- 3. Luật sư gặp và trao đổi với bị can
- 4. Luật sư thu thập các đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa
- 5. Luật sư phát hiện các sai phạm của Điều tra viên và đưa ra yêu cầu đề xuất
- 6. Luật sư kiến nghị, đề xuất với CQĐT
1. Luật sư làm thủ tục để tham gia bào chữa
Trong tố tụng hình sự, giai đoạn điều tra là giai đoạn quan trọng để giải quyết một vụ án hình sự. Theo các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) hiện hành thì luật sư được tham gia vào trong quá trình giải quyết vụ án hình sự ngay từ khi thân chủ bị tạm giữ theo quyết định tạm giữ trong các trường hợp bắt người theo quy định tại BLTTHS.
Trong quá trình tham gia, luật sư vừa có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, vừa có thể giám sát các hoạt động điều tra của điều tra viên (ĐTV), kịp thời phát hiện những thiếu sót, sai lầm (nếu có) của ĐTV và qua đó có những ý kiến, kiến nghị kịp thời để yêu cầu cơ quan điều tra (CQĐT) sửa chữa, khắc phục nó, bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hình sự được khách quan, đúng pháp luật.
Theo quy định của BLTTHS hiện hành, luật sư – người bào chữa được quyền tham gia ngay từ khi một người bị bắt giữ. Luật sư được tham gia tố tụng khi có một trong hai điều kiện:
(1) Bị can, bị cáo hoặc thân nhân của bị can, bị cáo có đơn mời luật sư bào chữa;
(2) Cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu Đoàn luật sư chỉ định một văn phòng luật sư cử luật sư tham gia tố tụng bào chữa cho bị can, bị cáo.
Trong cả hai trường hợp nêu trên, luật sư chỉ thực sự trở thành người tham gia tố tụng với các quyền năng pháp lý được quy định trong BLTTHS khi được cơ quan tiến hành tố tụng cấp giấy chứng nhận bào chữa.
2. Luật sư tham gia lấy lời khai của người bị tạm giữ, hỏi cung bị can và các hoạt động điều tra khác
Việc luật sư có mặt để tham gia lấy lời khai của người bị tạm giữ, hỏi cung bị can có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết vụ án hình sự bởi nó không những làm cho người bị tạm giữ, bị can yên tâm về mặt tinh thần và luôn có niềm tin rằng mình sẽ không bao giờ phải chịu mức án nặng hơn so với mức độ và hành vi phạm tội của mình mà sự có mặt của luật sư trong những hoạt động này còn làm cho ĐTV phải khách quan, chính xác hơn trong khi thực hiện công việc của mình.
Khi đã nắm bắt được thời gian lấy lời khai người giữ, hỏi cung bị can của ĐTV thì luật sư sẽ lập một kế hoạch cụ thể để tham gia vào buổi hỏi cung. Luật sư sẽ tìm hiểu để bảo đảm thân chủ đã được giải thích các quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, bị can trong quá trình CQĐT lấy lời khai. Luật sư sẽ có trước các dự kiến như: đề xuất ĐTV cần phải là những vấn đề gì, chuẩn bị các câu hỏi để hỏi người bị tạm giữ, bị can. Tuỳ từng vụ án khác nhau mà luật sự chuẩn bị những câu hỏi khác nhau. Qua các câu hỏi đó, luật sư làm rõ tính nghiêm trọng của hành vi phạm tội (hành vi bị truy tố theo khoản nào, khung nào của điều luật). Trong những trường hợp giá trị tài
sản nói riêng hoặc giá trị đối tượng của tội phạm nói chung không thể xác định một cách chính xác thì luật sư có quyền đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định hoặc có công văn hỏi cơ quan thẩm định giá. .
Trong những trường hợp ĐTV đặt những câu hỏi có tính mớm cung hoặc bức cung đối với người bị tạm giữ, bị can thì luật sư sẽ khéo léo, tế nhị đề nghị ĐTV không nên hỏi những câu hỏi đó hoặc luật sư xin phép đặt những câu hỏi cho thân chủ của mình để phản bác lại câu hỏi của ĐTV.
Khi tham gia bào chữa từ giai đoạn điều tra, luật sư không những được hỏi cung người bị tạm giữ, bị can mà còn được quyền tham gia vào các hoạt động điều tra khác như thực nghiệm
điều tra, khám nghiệm hiện trường, khai quật tử thi, kê biên tài sản, khám chỗ ở, địa điểm, đối chất, nhận dạng… Khi tham gia vào các hoạt động nói trên, luật sư vừa thu nhận được những thông tin cần thiết về vụ án vừa giám sát hoạt động của những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng. Ví dụ : thành phần – những người tham gia khám nghiệm hiện trường, thủ tục khai quật tử thi có đúng không ?
Khi tham gia bào chữa từ giai đoạn điều tra, nếu luật sư nhận thấy cần thiết phải trưng cầu giám định, giám định lại, giám định bổ sung hoặc đối chất, khai quật tử thi… thì luật sư sẽ có văn bản đề nghị CQĐT tiến hành các hoạt động đó theo đúng quy định của BLTTHS.
3. Luật sư gặp và trao đổi với bị can
Khi gặp gỡ và trao đổi với bị can trong giai đoạn điều tra thì công việc đầu tiên và quan trọng nhất của luật sư là giải thích cho họ biết mình có nghĩa vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa nhưng việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ mới là quan trong và cao nhất qua đó tạo sự tin tưởng cho bị can đối với mình. Khi đã có sự tin tưởng của bị can thì luật sư đề nghị họ
trình bày một cách trung thực về toàn bộ những gì mà họ biết về vụ án. Luật sư sẽ tìm hiểu sâu về những điểm còn chưa rõ hoặc có mâu thuẫn về chứng cứ, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; động cơ, mục đích, nguyên nhân và điều kiện phạm tội …
Luật sư cũng có thể thông báo cho bị can về tình hình gia đình bị can, chuyển lời thăm hỏi, động viên của thân nhân bị can. Qua đó, luật sư thiết lập được cầu nối giao tiếp với thân chủ, nhất là trong trường hợp lần đầu gặp mặt, đồng thời xác định được tình trạng sức khỏe, tâm lý của thân chủ để có đề xuất kịp thời với cơ quan tiến hành tố tụng và trại tạm giam trong những trường hợp cần thiết.
Nhiều trường hợp, luật sư sẽ thông tin cho bị can về các quyền mà bị can được hưởng để bị can có ý thức tự bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của bản thân. Luật sư cũng cần giải thích cho bị can hiểu về quyền và nghĩa vụ của ĐTV, các biện pháp ngăn chặn và cưỡng chế tố tụng, về tiến trình tố tụng, thời hạn tố tụng để bị can nắm được, không bị động, không sốt ruột, bị quan tiêu cực. Luật sư cũng lưu ý cho bị can biết về các quyền và nghĩa vụ luật định của người bào chữa, vị trí, vai trò của luật sư, các nghĩa vụ mà luật sư đã cam kết trong hợp đồng dịch vụ bào chữa để khách hàng nắm được, tránh có những ảo tưởng thái quá hoặc đòi hỏi vô lý đối với luật sư.
Trong những lần gặp sau, khi đã xác định được định hướng bào chữa, luật sư cần đặt các câu hỏi để củng cố các luận cứ bào chữa sẽ được đưa ra tại phiên tòa, thống nhất với bị can về định hướng bào chữa.
4. Luật sư thu thập các đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa
Trong quá trình tham gia bào chữa từ giai đoạn điều tra, nếu luật sư thấy cần thiết phải thu thập những tài liệu, chứng cứ để bảo vệ cho người bị tạm giữ, bị can thì tự luật sư có thể chủ động thu thập và cung cấp cho CQĐT. Theo quy định của pháp luật thì những tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến vụ án do người bào chữa thu thập được có giá trị như những tài liệu đồ vật, tình tiết do CQĐT thu thập.
Trên thực tế, các loại tài liệu mà luật sư thường thu thập hay tư vấn cho thân chủ hay gia đình thân chủ thu thập là các về nhân thân bị can, các tài liệu phản ảnh thành tích, công trạng của bị can và thân nhân của bị can: các bằng khen, giấy khen tài liệu xác nhận là con em gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng …
Ngoài ra, nếu thân chủ là người già, đau yếu, là phụ nữ có thai mà CQĐT chưa chú ý làm rõ các vấn đề trên thì Luật sư sẽ thu thập các tài liệu phản ánh về độ tuổi, tình trạng sức khỏe của thân chủ (giấy khai sinh, giấy chứng sinh, bệnh án, giấy khám sức khỏe của bệnh viện đa khoa cấp tỉnh…) để yêu cầu đề xuất áp dụng các quy định tương ứng của BLHS và BLTTHS đối với những đối tượng đặc thù này.
5. Luật sư phát hiện các sai phạm của Điều tra viên và đưa ra yêu cầu đề xuất
Trong quá trình thực hiện công việc bào chữa của mình, việc luật sư phát hiện ra những sai phạm của ĐTV trong quá trình giải quyết vụ án là điều kiện vô cùng quan trọng để việc giải quyết vụ án được khách quan và đúng với quy định của pháp luật.
Việc phát hiện sai phạm của ĐTV có thể được luật sư thực hiện ngay khi luật sư gặp gỡ và trao đổi với người bị tạm giữ, bị can. Khi trao đổi với bị can, người bị tạm giữ, luật sư sẽ hỏi xem họ :
Đã được ĐTV giao quyết định khởi tố bị can chưa ?
Đã được ĐTV giải thích đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, bị can hay chưa ?
Có bị ĐTV đặt các câu hỏi mớm cung hay không ?
Có bị ĐTV bức cung hoặc dùng nhục hình hay không khi lấy lời khai, hỏi cung không ?
Người bị tạm giữ, bị can có được ký vào mỗi trang của biên bản lấy lời khai, hỏi cung mình hay không ?
Có ký vào sát dòng cuối cùng của biên bản hay không ?
Trong nhiều trường hợp, người bị tạm giữ, bị can chỉ ký vào trang cuối cùng của bản cung lại không sát vào dòng cuối cùng của trang nên sau này ĐTV có thể viết thêm những nội dung bất lợi cho họ vào trang đầu của bản cung hoặc phần trống được tạo ra khi người bị tạm giữ, bị can ký không sát vào dòng cuối cùng (lưu ý : luật sư chỉ có thể chắc chắn đúng là ĐTV có những sai phạm trên khi luật sư được nghiên cứu hồ sơ vụ án – nghĩa là sau khi kết thúc điều tra).
Đối với người bị tạm giữ, bị can là người chưa thành niên, luật sư cần hỏi rõ xem họ có người giám hộ không? người giám hộ của họ có mặt khi hỏi cung họ và có được ký vào các biên bản hỏi cung hay không ?
Khi nghiên cứu các tài liệu trong hồ sơ vụ án, luật sư sẽ chú ý đến ngày tháng năm của các biên bản xem chúng có trùng lặp hoặc mâu thuẫn nhau về mặt thời gian hay không? Trong nhiều vụ án, trong cùng một thời gian, địa điểm mà ĐTV lại có thể hỏi cung nhiều bị can khác nhau thậm chí tại nhiều địa điểm khác nhau. Điều đó chứng tỏ những bản cung đó là do ĐTV tự viết bản cung và người bị tạm giữ, bị can phải ký vào. Việc làm này của ĐTV sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính khách quan của hồ sơ vụ án. Trong khu nghiên cứu hồ sơ, luật sư sẽ chú ý tới phần tẩy xoá cuả bản cung. Về nguyên tắc khi tẩy xoá các ký tự trong bản cung thì phải có chữ ký xác nhận của người bị tạm giữ, bị can vào bản cung đó. Nếu bạn cũng bị tẩy xoá mà không có chữ ký của người bị tạm giữ, bị can thì đó là sự vi phạm thủ tục tố tung. Trong nhiều trường hợp, đây là căn cứ để Viện Kiểm sát (VKS) hoặc Tòa án (TA) yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung.
6. Luật sư kiến nghị, đề xuất với CQĐT
Ngay sau khi đã nắm được cơ bản về nội dung vụ án, luật sư sẽ có những kiến nghị, đề xuất với CQĐT để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ.
Ví dụ : sau khi nắm được cơ bản về nội dung vụ án, luật sư thấy cần thiết phải lấy lời khai của một người làm chứng nào đó thì có thể yêu cầu CQĐT triệu tập người làm chứng đến để lấy lời khai.
Khi luật sư thấy có những căn cứ là điều kiện để đình chỉ hoặc tạm đình chỉ điều tra hoặc thay đổi quyết định khởi tố bị can để thay đổi tội danh đối với thân chủ của mình thì luật sư sẽ kịp thời có đơn kiến nghị gửi đến CQĐT đề nghị họ thực hiện.
Ví dụ : trong trường hợp nghi ngờ bị can đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì đề nghị CQĐT ra quyết định trưng cầu giám định pháp y về năng lực trách nhiệm hành vi của họ. Nếu kết luận giám định xác định bị can bị mất năng lực trách nhiệm hành vi thì tùy thuộc việc mất năng lực trách nhiệm hành vi này xảy ra khi bị can thực hiện hành vi phạm tội hay sau khi thực hiện hành vi phạm tội mà luật sư có sự đề nghị phù hợp.
Trong quá trình tham gia từ giai đoạn điều tra, luật sư nếu nhận thấy khách hàng của mình có những điều kiện để có thể được CQĐT áp dụng biện pháp ngăn chặn khác không phải là biện pháp tạm giam thì viết đơn đề nghị CQĐT, VKS áp dụng các quy định của pháp luật để cho khách hàng của mình được huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, trả tự do cho thân chủ hoặc đi hướng dẫn người nhà của bị can viết đơn bảo lĩnh cho họ.
Nếu sau khi tiếp xúc với hồ sơ vụ án mà luật sư – người bào chữa nhận thấy việc mở rộng vụ án hình sự sẽ bảo vệ được quyền và coi và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình thì luật sư cũng sẽ có đề xuất với CQĐT mở rộng vụ án…
Xem thêm :
- Luật sư tư vấn pháp luật hình sự ở giai đoạn khởi tố vụ án, khởi tố bị can
- Luật sư tư vấn pháp luật hình sự ở giai đoạn truy tố
- Vai trò của luật sư ở giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án hình sự
- Vai trò của luật sư ở phiên tòa xét xử vụ án hình sự
Liên hệ luật sư tư vấn hình sự : 0913 597 479 ; 0904 902 429