Một số nguyên nhân dẫn đến tranh chấp nội bộ công ty

1196

Tranh chấp nội bộ công ty” là những mẫu thuẫn, bất đồng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể thuộc công ty với nhau liên quan đến chủ yếu đến các lợi ích kinh tế, quyền quyết định, quản lý công ty. “Nội bộ công ty” thường bao gồm các chủ thể: người sáng lập công ty, các thành viên hoặc cổ đông công ty, người đại diện theo pháp luật của công ty, người quản lý công ty (Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc).

1. Các tranh chấp nội bộ công ty phổ biến

Có thể phân loại các tranh chấp điển hình trong quản trị nội bộ công ty dựa trên tiêu chí về chủ thể của tranh chấp như sau:

– Tranh chấp giữa những người sáng lập công ty với nhau. Luật Doanh nghiệp xác định những người cùng ký tên vào bản Điều lệ công ty đầu tiên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh chính là “nhà sáng lập”. Hay hiểu chung nhất, họ người đầu tiên đặt nền móng “khai sinh công ty. Biểu hiện chủ yếu của loại tranh chấp này là các nhà sáng lập thường tranh cãi xem “tôi hay anh là chủ công ty”, ai có quyền quyết định trong công ty và vấn đề phân chia lợi nhuận khi công ty kinh doanh có lãi.

– Tranh chấp giữa người sáng lập với các thành viên góp vốn khác, tác giả gọi chung đây là tranh chấp giữa các chủ sở hữu công ty. Theo Luật Doanh nghiệp thì những người góp vốn hợp lệ và hợp pháp vào công ty đều là các chủ sở hữu công ty, không phân biệt người đó là nhà sáng lập hay là người góp vốn sau khi doanh nghiệp đã đi vào hoạt động. Biểu hiện của loại tranh chấp này là sự bất đồng về quyền quản lý và quyết định trong công ty, khi mà người sáng lập thường nhầm tưởng rằng mình thành lập công ty nên mình có toàn quyền quyết định mọi vấn đề,

từ đó ảnh hưởng đến quyền của những người góp vốn khác, phát sinh các khiếu nại | hoặc khởi kiện liên quan.

– Tranh chấp giữa các chủ sở hữu công ty với người quản lý, điều hành công ty. Trong một số trường hợp, cơ cấu nhân sự và mô hình quản trị công ty cho thấy quyền quản lý, điều hành công ty và quyền sở hữu công ty có sự tách bạch rõ rệt, ví dụ như trường hợp thuê người khác làm Giám đốc/Tổng giám đốc hoặc thành viên Hội đồng quản trị không phải là cổ đông công ty. Từ đó nảy sinh tình trạng những người quản lý, điều hành công ty nhằm mục đích phục vụ cho lợi ích cá nhân mình thay vì lợi ích của công ty và của chủ sở hữu.

– Tranh chấp giữa những người có chức danh quản lý công ty hoặc người đại diện công ty với nhau. Biểu hiện của loại tranh chấp này thường là mâu thuẫn về quyền quản lý, điều hành, quyết quyết định và giao kết hợp đồng; xung đột trong bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm các chức danh quản lý.

2. Một số nguyên nhân dẫn đến tranh chấp nội bộ công ty

Theo khảo sát các vụ tranh chấp trong giai đoạn từ năm 2007 – 2017, nguyên nhân dẫn đến tranh chấp trong quản trị nội bộ công ty nói chung được phân loại trên hai phương diện khách quan và chủ quan.

Trong đó, mặt khách quan, các mâu thuẫn, bất đồng trong nội bộ công ty chủ yếu đến từ các nguyên nhân thuộc yếu tố pháp luật, văn hóa, tác động của những quy luật về giá trị, cạnh tranh. Các nguyên nhân chủ quan khiến nội bộ công ty mâu thuẫn là những yếu tố xuất phát từ bên trong, thể hiện ý chí của các thành viên nói riêng và các bên tranh chấp nói chung – đây được xem là nguyên nhân căn bản và chủ yếu dẫn đến các tranh chấp nội bộ công ty.

Một số nguyên nhân chủ quan dẫn đến tranh chấp nội bộ doanh nghiệp như sau:

a) Không nhận thức đúng tầm quan trọng của yếu tố pháp lý khi khởi nghiệp

Môi trường pháp lý là yếu tố khách quan ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành và khai thác kinh doanh của công ty. Quản trị nội bộ công ty nói chung chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp và mỗi công ty có quyền ban hành các quy chế quản trị nội bộ cho công ty mình, chủ yếu thể hiện tại Điều lệ công ty. Tuy nhiên các công ty mới được thành lập và các nhà sáng lập lại thường không quan tâm nhiều đến yếu tố pháp lý và tầm quan trọng của Điều lệ công ty đối với hoạt động của công ty. Một số vấn đề pháp lý quan trọng cần lưu ý khi bắt đầu khởi nghiệp nhưng thường không được sáng lập viên quan tâm đó là:

– Không hiểu đúng về thời điểm công ty được thành lập và được pháp luật công nhận, dẫn đến nhầm lẫn về thời điểm xác lập tư cách thành viên công ty. Theo Luật Doanh nghiệp, công ty chỉ được tiến hành kinh doanh, có tư cách pháp nhân và trở thành chủ thể độc lập trong các quan hệ pháp luật kể từ thời điểm công ty được cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trước thời điểm này, các chủ thể có thể đã thực hiện các thủ tục như góp vốn, thuê nhà xưởng, kho bãi, địa điểm kinh doanh… tuy nhiên, việc thực hiện các thủ tục này không đồng nghĩa với việc họ đã là thành viên công ty hoặc được quyền kinh doanh. Trong thực tiễn, A, B, C, D cùng góp vốn theo đúng thỏa thuận với nhau nhằm mục đích thành lập công ty, họ cùng thống nhất chuyển vốn góp vào tài khoản của D và yên tâm rằng mình đã thành lập và là thành viên công ty. Nhưng thực ra vào thời điểm này công ty chưa hề tồn tại trên thực tế, phần vốn góp của họ vẫn chưa được chuyển giao qua tài khoản của công ty, tư cách thành viên của họ vẫn chưa phát sinh.

– Nhiều người sáng lập không quan tâm đến Điều lệ công ty trong khi Điều lệ công ty là văn bản quan trọng nhất và có hiệu lực trực tiếp đối với một công ty. Các nhà sáng lập thường lại suy nghĩ rằng Điều lệ công ty chỉ là một thủ tục hành chính cần phải có khi thành lập công ty, nên họ thường sử dụng các Điều lệ công ty mẫu có sẵn tải trên mạng, thay đổi thông tin công ty sau đó nộp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh để hợp thức hóa hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp mà không biết rằng chính những nội dung trong Điều lệ sau này sẽ có thể ảnh hưởng nhiều đến quyền và nghĩa vụ của họ.

Ví dụ : trường hợp một công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập với 3 thành viên, trong đó có một thành viên sở hữu 65% vốn điều lệ trong công ty. Nếu các thành viên này không có thỏa thuận nào khác về điều kiện tiến hành cuộc họp Hội đồng thành viên hợp lệ và điều kiện biểu quyết thông qua các quyết định của công ty trong Điều lệ công ty thì gần như quyền quyết định mọi vấn đề trong công ty này thuộc về thành viên nắm giữ 65% (vì Khoản 1 Điều 58 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định cuộc họp Hội đồng thành viên được tiến hành hợp lệ khi có số thành viên dự họp sở hữu ít nhất 65% vốn điều lệ. Khoản 5 Điều 59 Luật Doanh nghiệp 2020 quy

định trừ các vấn đề đặc biệt quan trọng thì các vấn đề còn lại sẽ được thông qua nếu có số phiếu đại diện ít nhất 65% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành).

b) Nhầm lẫn giữa tư cách sáng lập viên và chủ sở hữu công ty

Các cá nhân, tổ chức khi thực hiện góp vốn hợp lệ và hợp pháp theo quy định pháp luật thì sẽ trở thành đồng chủ sở hữu công ty. Ban đầu, công ty khởi nghiệp thường được thành lập bởi một hoặc một số ít nhà sáng lập bằng cách cùng nhau góp vốn và ý tưởng kinh doanh, sức lao động. Sau khi hoàn tất thủ tục thành lập theo quy định, những nhà sáng lập này cũng được gọi là chủ sở hữu công ty. Nếu trong quá trình công ty hoạt động có thêm các tổ chức, cá nhân khác góp vốn thì những chủ thể này cũng được gọi là “chủ sở hữu công ty. Như vậy, nhà sáng lập hay những chủ thể góp vốn sau khi công ty đã hoạt động đều được gọi chung là các đồng chủ sở hữu, quyền và lợi ích của họ hầu như sẽ được điều chỉnh bởi cùng chung các quy định pháp luật, cùng có quyền kinh tế và nghĩa vụ tài chính tương ứng với tỉ lệ phần vốn góp của họ trong công ty. Tuy vậy, những nhà sáng lập thường cho rằng mình có “công lớn” trong việc thành lập và cho rằng “công ty là của mình”, mình có toàn quyền quyết định các vấn đề của công ty. Ngược lại các thành viên khác trong công ty thì cho rằng mình đã bỏ vốn đầu tư vào công ty và do vậy, họ cũng đòi hỏi có quyền quyết định cao trong công ty.

c  Không xác định rõ tỉ lệ phần vốn góp, tỉ lệ sở hữu cổ phần trong công ty ngay tại thời điểm thành lập

Luật Doanh nghiệp quy định vốn điều lệ trong công ty là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần (Khoản 34 Điều 4). Vốn điều lệ là yếu tố quan trọng và là căn cứ để xác định mức độ hưởng quyền cũng như thực hiện nghĩa vụ của thành viên, cổ đông công ty, ví dụ như quyền biểu quyết, quyền được phân chia lợi nhuận, quyền được phân chia tài sản của doanh nghiệp khi giải thể, phá sản. Trên thực tế, để có vốn hoạt động kinh doanh, các nhà sáng lập có thể thực hiện các phương án hùn hạp vốn khác nhau, mỗi phương án hùn hạp hoặc tìm kiếm vốn sẽ đưa đến hệ quả pháp lý khác nhau đối với công ty, đối với các sáng lập viên và có thể ảnh hưởng đến các tổ chức, cá nhân khác.

Ở phương án góp vốn thứ nhất, các sáng lập viên cùng nhau góp tài sản để có vốn triển khai ý tưởng kinh doanh. Tỉ lệ góp vốn có thể bằng nhau hoặc không bằng nhau, dẫn đến tỉ lệ sở hữu công ty cũng khác nhau. Các sáng lập viên cùng nhau thực hiện việc góp hoặc cam kết góp vốn bằng loại tài sản hợp pháp và chuyển nhượng tài sản đó cho công ty theo đúng thời hạn, thủ tục luật định để hình thành nên nguồn tài sản độc lập cho công ty. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty TNHH sẽ ghi nhận tên những thành viên góp vốn. Điều lệ công ty phải ghi nhận rõ phần vốn góp và giá trị phần vốn góp của các thành viên công ty TNHH; số cổ phần, loại cổ phần, mệnh giá cổ phần từng loại của cổ đông sáng lập công ty CP. Khi đã trở thành thành viên, cổ đông của công ty, các sáng lập viên có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty. Diễn biến nêu trên là đúng theo trình tự và “kịch bản” của Luật Doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nếu xảy ra các sự kiện như:

  • Các sáng lập viên không thực hiện góp vốn đúng thời hạn và đúng loại tài sản đã cam kết góp;
  • Việc góp vốn không được thực hiện đúng thủ tục (không có biên bản bàn giao tài sản, tài sản không được chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp);
  • Tài sản sử dụng để góp vốn không phải là tài sản “chính chủ”;
  • Định giá tài sản cao hơn giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn để “nâng khống” vốn điều lệ…

thì

  • Tư cách thành viên công ty có thể không còn;
  • Vốn điều lệ công ty thay đổi;
  • Tỉ lệ phần vốn góp của thành viên, cổ đông công ty sẽ thay đổi;
  • Quyền và nghĩa vụ của thành viên, cổ đông cũng thay đổi.

Nhưng nhiều công ty khởi nghiệp và sáng lập viên không nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc xác lập tư cách thành viên, cổ đông và xác định tỉ lệ sở hữu phần vốn của công ty từ đó lơ là hoặc cố tình làm trái mà không lường được hậu quả, để xảy ra các sự kiện ở trên và cũng dẫn đến xảy ra hậu quả đã nêu trên.

Trên thực tế còn có nhiều trường hợp góp vốn nhưng không có bằng chứng chứng minh có việc góp vốn trên thực tế (ví dụ như không có biên bản góp vốn) thì tình huống góp tiền làm ăn chung sau đó vừa không có tư cách thành viên công ty, vừa không thu hồi được vốn là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Phương án góp vốn thứ hai, trong đó vốn chỉ do một hoặc một số ít sáng lập viên bỏ ra, còn những sáng lập viên còn lại chỉ bỏ công sức hoặc ý tưởng. Trên thực tế đã có trường hợp các sáng lập viên quyết định không hợp tác nữa và mỗi người tự giữ những tài sản của mình, người nào nắm website thì dùng website, người nắm nhân sự thì kéo nhận sự thực hiện dự án mới. Luật Doanh nghiệp quy định các bên có thể góp vốn bằng Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Như vậy, Luật Doanh nghiệp không có quy định góp vốn bằng công sức lao động hoặc ý tưởng kinh doanh nhưng trên thực tế, chuyện này không hiếm và pháp luật không cấm. Mặc dù vậy, rủi ro có thể xảy ra nếu các sáng lập viên góp vốn bằng công sức lao động hoặc ý tưởng kinh doanh nhưng lại không có thỏa thuận rõ ràng về việc góp vốn và xác định tỉ lệ phần vốn góp khi sáng lập viên đóng góp bằng những nguồn lực khác ngoài tài sản, từ đó không xác định được tỉ lệ phần vốn góp, tỉ lệ sở hữu cổ phần của thành viên, cổ đông trong công ty. Sự mập mờ về tỉ lệ vốn góp và tư cách thành viên, cổ đông công ty đều có thể trở thành nguyên nhân cho những cuộc chia ly trong nội bộ công ty.

Phương án tìm kiếm vốn phổ biến thứ ba đó là huy động hoặc vay vốn của các cá nhân khác như người thân, bạn bè. Diễn biến tiêu cực và đầy rủi ro khi thực hiện phương án này đó là người cho vay tiền tưởng rằng việc mình cho vay đồng nghĩa với việc mình là thành viên, là cổ đông công ty nên có quyền tham gia quản lý và điều hành công ty, khi công ty kinh doanh có lãi thì yêu cầu được phân chia lợi nhuận. Người đi vay tiền thành lập công ty thì quả quyết cho rằng tiền vay thì chỉ trả lãi (nếu có thỏa thuận lãi vay) chứ không chịu phân chia theo tỉ lệ từ nguồn lợi nhuận.

d) Không phân định rõ giữa chủ sở hữu công ty, người điều hành công ty và người đại diện theo pháp luật của công ty

Khi công ty phát triển và mở rộng quy mô kinh doanh thì vấn đề về quản trị doanh nghiệp bắt đầu cần được quan tâm hơn và việc phân chia quyền lực trong công ty cần phải được thể hiện rõ ràng, vì vốn kinh doanh chủ yếu do chủ sở hữu công ty đầu tư, nhưng người sử dụng vốn để kinh doanh lại là người điều hành công ty, người có quyền xác lập giao dịch nhân danh công ty và chịu trách nhiệm về hoạt động của công ty lại là người đại diện theo pháp luật. Quyền điều hành và quyền đại diện theo pháp luật trong nhiều trường hợp không cùng thuộc về một người, nhưng họ đều có trách nhiệm thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách trung thực, cẩn trọng và có lợi nhất cho công ty, mang lại lợi nhuận như kỳ vọng cho các chủ sở hữu. Do đó, việc không phân định rõ về chủ sở hữu công ty, người điều hành công ty và người đại diện theo pháp luật của công ty cũng như thẩm quyền của những người này rất dễ dẫn đến tranh chấp nội bộ công ty, biểu hiện cụ thể như sau:

Thứ nhất, các sáng lập viên nếu không tìm hiểu hoặc được tư vấn kỹ về vấn đề pháp lý liên quan đến người đại diện theo pháp luật của công ty thì thường hay nhầm tưởng mình là người thành lập công ty, hoặc mình là người góp nhiều vốn nhất, hoặc mình là giám đốc điều hành nên đương nhiên có quyền thực hiện mọi giao dịch của công ty. Tuy nhiên, căn cứ Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Doanh nghiệp 2020 chỉ có người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền mới có quyền thực hiện các giao dịch vì mục đích và lợi ích của công ty. Giao dịch không do người đại diện theo pháp luật hoặc không được người đại diện theo pháp luật ủy quyền thực hiện thì có nguy cơ cao bị tuyên bố vô hiệu, dù cho người thực hiện giao dịch là người thành lập công ty hay nắm phần vốn góp lớn trong công ty.

Thứ hai, không phân định rõ thẩm quyền của những người cùng là đại diện theo pháp luật của công ty.

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, công ty TNHH và công ty cổ phần có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty phải quy định rõ chức danh, thẩm quyền, phạm vi đại diện của những người đại diện theo pháp luật.

Trên thực tế, người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH thường là Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc và Giám đốc Tổng giám đốc công ty, người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc/và Giám đốc/Tổng giám đốc công ty.

Công ty có nhiều người đại diện theo pháp luật sẽ mang đến nhiều thuận lợi cho công ty nhưng cũng dẫn đến nhiều rủi ro vì phải kiểm soát nhiều người có thẩm quyền giao dịch để bảo đảm thực hiện đúng thẩm quyền, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn phức tạp bên trong và khiếu kiện từ bên ngoài công ty. Nếu không thật sự cần thiết thì các công ty cần cân nhắc khi lựa chọn phương án nhiều người đại diện theo pháp luật.

Thứ ba, sự thiếu rõ ràng về quyền điều hành của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, nhầm lẫn quyền điều hành và quyền thực hiện giao dịch nhân danh công ty. Mặc dù Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người có vai trò trung tâm điều hành kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng trên thực tế ít khi được giao giữ vai trò người đại diện theo pháp luật nếu như không đồng thời là người sở hữu vốn đáng kể trong công ty. Do đó, những giao dịch do Giám đốc công ty ký kết có khả năng sẽ bị tuyên bố vô hiệu nếu vị Giám đốc này không phải là người đại diện theo pháp luật hoặc không được người đại diện theo pháp luật ủy quyền.

Thứ tư, tranh chấp nội bộ phát sinh do bầu, bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh trong công ty một cách bừa bãi, không có cơ sở pháp lý. Tình trạng này xảy ra khi “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, nhận thấy khó có thể hợp tác với nhau hoặc xảy ra xung đột lợi ích, các chủ sở hữu công ty “bỗng nhiên” tiến hành bầu người đại diện theo pháp luật mới, Giám đốc mới, miễn nhiệm và loại bỏ người cũ ra khỏi công ty. Hay người đại diện theo pháp luật – đồng thời là Chủ tịch Hội đồng thành viên, chủ tịch Hội đồng quản trị, Hội đồng quản trị công ty sử dụng “quyển nhân danh công ty của mình để “phế truất” Giám đốc… mà không nắm rõ mình có quyền bầu, bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh đó hay không.

Nhấn vào đây để quay về chuyên trang luật sư tư vấn doanh nghiệp hoặc liên hệ luật sư tư vấn doanh nghiệp : 0904 902 429   0913 597 479