Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có phải nộp thuế môn bài, nộp thuế, đóng BHXH, báo cáo thuế không ?

952

1. Khi nào doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ?

Tạm ngừng kinh doanh là một trong những giải pháp được doanh nghiệp lựa chọn khi hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, cần thời gian để tìm ra phương án giải quyết hoặc có thể cần thời gian để huy động vốn.

Theo Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh theo 02 hình thức:

– Doanh nghiệp có nhu cầu tự tạm ngừng kinh doanh. Tạm ngừng kinh doanh trong trường hợp này là hoạt động dựa vào ý chí tự nguyện của doanh nghiệp, có nghĩa là doanh nghiệp có quyền tạm ngừng kinh doanh tùy thuộc vào tình hình của doanh nghiệp.

– Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh trong trường hợp sau đây:

+ Tạm ngừng hoặc chấm dứt kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện tương ứng theo quy định của pháp luật;

+ Tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Xem thêm : Thủ tục thông báo tạm ngừng kinh doanh mới nhất theo quy định

2. Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có phải thông báo với cơ quan thuế không ?

Theo quy định tại Khoản đ.1 Điều 14 Thông tư số 151/2014/TT-BTC :

“đ.1) Đối với người nộp thuế thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản về việc tạm ngừng kinh doanh hoặc hoạt động kinh doanh trở lại với cơ quan đăng ký kinh doanh nơi người nộp thuế đã đăng ký theo quy định.

Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm thông báo cho cơ quan thuế biết về thông tin người nộp thuế tạm ngừng kinh doanh hoặc hoạt động kinh doanh trở lại chậm nhất không quá 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của người nộp thuế. Trường hợp người nộp thuế đăng ký tạm ngừng kinh doanh, cơ quan thuế có trách nhiệm thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh về nghĩa vụ thuế còn nợ với ngân sách nhà nước của người nộp thuế chậm nhất không quá 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin từ cơ quan đăng ký kinh doanh.”

Như vậy, doanh nghiệp chỉ phải nộp hồ sơ thông báo tạm ngừng kinh doanh với Phòng Đăng ký kinh doanh. Việc gửi thông báo cho cơ quan thuế là trách nhiệm của Phòng Đăng ký kinh doanh (không phải của doanh nghiệp).

3. Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có phải nộp thuế môn bài không ?

Theo Nghị định 22/2020/NĐ-CP, người nộp lệ phí môn bài đang hoạt động có văn bản gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp về việc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch thì không phải nộp lệ phí môn bài cho năm tạm ngừng hoạt động nếu đáp ứng được 02 điều kiện sau:

– Văn bản xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh gửi cơ quan thuế trước ngày 30/01 hàng năm;

– Chưa nộp lệ phí môn bài của năm tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

4. Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có cần nộp hồ sơ khai thuế không ?

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 Nghị định 126/2020/NĐ-CP :

“2. Trong thời gian người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh:

a) Người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý; hồ sơ quyết toán năm.

b) Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán tạm ngừng hoạt động, kinh doanh được cơ quan thuế xác định lại nghĩa vụ thuế khoán theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

c) Người nộp thuế không được sử dụng hóa đơn và không phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn. Trường hợp người nộp thuế được cơ quan thuế chấp thuận sử dụng hoá đơn theo quy định của pháp luật về hoá đơn thì phải nộp hồ sơ khai thuế, nộp báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn theo quy định.

d) Người nộp thuế phải chấp hành các quyết định, thông báo của cơ quan quản lý thuế về đôn đốc thu nợ, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế và xử lý hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.”

Như vậy, trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp tạm ngừng không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý; hồ sơ quyết toán năm.

Riêng hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán tạm ngừng hoạt động, kinh doanh thì được cơ quan thuế xác định lại nghĩa vụ thuế khoán.

Đồng thời, trong thời gian này, người nộp thuế cũng không được sử dụng hóa đơn, không phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn. Nếu được chấp thuận sử dụng hóa đơn thì phải nộp hồ sơ khai thuế, báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quy định.

5. Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh phải thanh toán đầy đủ thuế, BHXH không ?

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 206 Luật Doanh nghiệp năm 2020 :

Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác

Như vậy, trường hợp doanh nghiệp tại thời điểm tạm ngừng kinh doanh, nếu vẫn phát sinh các khoản nợ về thuế, BHXH…thì vẫn phải tiếp tục thanh toán, chỉ trừ trường hợp doanh nghiệp và các bên có thoả thuận khác.

Sau khi thanh toán xong, trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp không phải chịu các khoản về thuế, phí, BHXH.

Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm thông báo cho cơ quan thuế biết về thông tin người nộp thuế tạm ngừng kinh doanh chậm nhất không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của người nộp thuế (Điều 14 Thông tư số 151/2014/TT-BTC).

Như vậy, doanh nghiệp chỉ phải nộp hồ sơ thông báo tạm ngừng kinh doanh với Phòng Đăng ký kinh doanh. Việc gửi thông báo cho cơ quan thuế là trách nhiệm của Phòng Đăng ký kinh doanh (không phải của doanh nghiệp).

6. Thời gian tạm ngừng kinh doanh tối đa là bao lâu ?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP :

“Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo, doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đặt trụ sở chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo. Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh có nhu cầu tiếp tục tạm ngừng kinh doanh sau khi hết thời hạn đã thông báo thì phải thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần thông báo không được quá một năm.”

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 91 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì hộ kinh doanh được phép tạm ngừng kinh doanh vô thời hạn.

Nhấn vào đây để quay về chuyên trang luật sư tư vấn doanh nghiệp hoặc liên hệ luật sư tư vấn doanh nghiệp : 0904 902 429   0913 597 479