Mức phạt khi cặp bồ với người có gia đình
Pháp luật Việt Nam vẫn luôn tôn trọng và bảo vệ mối quan hệ một vợ, một chồng. Theo đó, một trong các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại điểm khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình là:
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
Trong đó, chung sống với người đã có vợ, có chồng được giải thích cụ thể như sau:
Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng
Cụ thể, khoản 3.1 Điều 3 Thông tư liên tịch số 01 năm 2001 hướng dẫn người đang có vợ/chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ/chồng chung sống với người mình biết rõ đang có chồng/vợ bị coi là chung sống như vợ chồng nếu sinh hoạt chung như một gia đình:
– Có con chung.
– Được hàng xóm, xã hội coi như vợ, chồng;
– Có tài sản chung;
– Đã được giáo dục nhưng vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó.
Theo đó, nếu vi phạm trường hợp sống chung như vợ chồng với người đã có gia đình, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự:
Với người cặp bồ với người có gia đình
– Xử phạt hành chính: Từ 03 – 05 triệu đồng với hành vi đã có gia đình mà chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ/chồng mà chung sống như vợ chồng với người biết rõ đã có gia đình (căn cứ khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP).
– Chịu trách nhiệm hình sự: Căn cứ Điều 182 Bộ luật Hình sự về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng.
+ Phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng – 01 năm: Làm người có gia đình phải ly hôn; đã bị phạt hành chính mà còn vi phạm.
+ Phạt tù từ 06 tháng – 03 năm: Vợ, chồng hoặc con của người đang có gia đình tự sát hoặc đã có quyết định của Tòa án buộc chấm dứt việc chung sống như vợ chồng mà vẫn duy trì.
Với người có gia đình cặp bồ
Tương tự như người cặp bồ, trong trường hợp này, người có gia đình cặp bồ cũng sẽ bị phạt hành chính từ 03 – 05 triệu đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP về hành vi đang có vợ/chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác.
Nếu việc chung sống như vợ, chồng này ở mức độ nặng hơn thì người có gia đình trong trường hợp này còn có thể bị phạt về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng tại Điều 182 Bộ luật Hình sự với mức phạt cao nhất là 03 năm tù.
Chồng mua nhà, xe cho bồ, vợ lấy lại bằng cách nào?
Thực tế có rất nhiều người chồng ngoại tình và dùng tiền là tài sản chung vợ chồng để mua nhà, xe cho bồ. Vậy các bà vợ liệu có cơ hội nào lấy lại được tài sản này không?
Để trả lời câu hỏi này, trước hết cần xem xét hai trường hợp:
– Tài sản chồng tặng cho bồ vẫn đứng tên người chồng và cô bồ chỉ được sử dụng mà không được sở hữu: Trong trường hợp này, nếu nhà, đất này được mua trong thời kỳ hôn nhân thì được xem là tài sản chung vợ, chồng.
Do đó, mặc dù chỉ có người chồng đứng tên nhưng vợ vẫn được quyền sở hữu, sử dụng bởi theo khoản 2 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình, tài sản chung sẽ thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ, chồng.
Đặc biệt, khoản 3 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình khẳng định:
Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung
Do đó, nếu nhà, xe chồng mua cho bồ dùng nhưng vẫn đứng tên người chồng thì đây là tài sản chung vợ chồng và người vợ có quyền sử dụng, định đoạt tài sản này. Thậm chí, khi người vợ yêu cầu ly hôn thì trong đơn ly hôn, vợ có thể yêu cầu Tòa án phân chia nhà đất, xe này.
Lưu ý: Tài sản chung vợ chồng sẽ được chia đôi nhưng có xem xét yếu tố lỗi của vợ, chồng. Do đó, nếu người chồng ngoại tình, người vợ sẽ có cơ hội được chia nhiều tài sản hơn. Để được như thế, người vợ cần chuẩn bị các bằng chứng chứng minh người chồng ngoại tình và nộp cùng đơn yêu cầu ly hôn.
– Tài sản đã sang tên cô bồ: Trong trường hợp này, theo Điều 123 Bộ luật Dân sự, người vợ có thể khởi kiện đòi tài sản tại Tòa án bởi giao dịch tặng cho giữa chồng với bồ đã vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội (trái nguyên tắc sử dụng tài sản chung vợ chồng) nên giao dịch này sẽ bị vô hiệu.
Do đó, khi giao dịch vô hiệu, các bên trả lại cho nhau những gì đã nhận, khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, người vợ chỉ đòi lại tài sản nếu tài sản đó đứng tên người chồng trước khi tặng cho cô bồ. Khi đó giao dịch với người thứ ba nếu trái với quy định thì sẽ bị vô hiệu.
Ngược lại, nếu tài sản được sang tên cô bồ trực tiếp, tức là cô bồ mua bán trực tiếp với người khác bằng tiền do người chồng cho thì việc đòi lại nhiều khả năng sẽ không thể thực hiện được bởi không có căn cứ chứng minh số tiền được dùng để mua bán trong trường hợp này là tài sản chung vợ chồng.
Nguồn : luatvietnam.vn