MỤC LỤC
Nguyên tắc xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích, bệnh, tật và bệnh nghề nghiệp
1. Tổng tỷ lệ phần trăm (%) TTCT của một người không được vượt quá 100%.
2. Mỗi tổn thương cơ thể chỉ được tính tỷ lệ % tổn thương cơ thể một lần.
Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A bị tổn thương hoàn toàn thần kinh trụ gây teo cơ bàn tay phải, thì tỷ lệ % tổn thương cơ thể của ông Nguyễn Văn A chỉ được tính theo tỷ lệ % tổn thương hoàn toàn thần kinh trụ (31-35%). Trong trường hợp này, không tính tỷ lệ % tổn thương teo cơ bàn tay phải, vì teo cơ bàn tay phải là do hậu quả của tổn thương dây thần kinh trụ đã được tính ở trên.
3. Nếu nhiều TTCT là triệu chứng thuộc một hội chứng hoặc thuộc một bệnh đã được nêu trong Bảng tỷ lệ quy định tại Điều 1 Thông tư này thì tỷ lệ % TTCT được xác định theo hội chứng hoặc theo bệnh đó.
Ví dụ: Ông Nguyễn Văn B được xác định là bệnh tâm thần phân liệt điều trị không ổn định, có triệu chứng ảo giác và căng trương lực cơ, thì tỷ lệ % TTCT được tính theo tỷ lệ bệnh tâm thần phân liệt điều trị không ổn định (51-55%); không được xác định tỷ lệ TTCT bằng cách cộng tỷ lệ % TTCT ảo giác và tỷ lệ % TTCT căng trương lực cơ.
4. Nếu cơ thể được xác định có 01 (một) tổn thương thì tỷ lệ % TTCT là giới hạn cao nhất của tỷ lệ % tổn thương cơ thể đó.
Ví dụ: Ông Nguyễn Văn C bị cụt 1/3 giữa cánh tay phải, theo quy định tại Bảng 1, Điều 1 Thông tư này, tỷ lệ % TTCT là 61 – 65% thì tỷ lệ TTCT của ông Nguyễn Văn C được xác định là 65%.
5. Khi tổng hợp tỷ lệ % TTCT, chỉ được lấy giới hạn trên của tỷ lệ % TTCT cao nhất một lần, từ TTCT thứ hai trở đi, lấy giới hạn dưới của tỷ lệ % TTCT để tính, theo trình tự từ tỷ lệ % TTCT cao nhất đến tỷ lệ % TTCT thấp nhất.
6. Tỷ lệ % TTCT là số nguyên. Khi tính tỷ lệ % TTCT chỉ lấy hàng thập phân đến một chữ số. Nếu chữ số hàng thập phân lớn hơn hoặc bằng 5 thì làm tròn số thành 01 đơn vị.
Phương pháp xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích, bệnh, tật và bệnh nghề nghiệp
1. Việc xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể được tính theo công thức sau:
Tổng tỷ lệ % TTCT = T1 + T2 + T3 +…+ Tn
Trong đó:
T1: Tỷ lệ % TTCT của tổn thương thứ nhất; T1 được xác định là tỷ lệ % TTCT cao nhất trong các TTCT.
T2: Tỷ lệ % TTCT của tổn thương thứ hai; T2 = (100 – T1) x giới hạn dưới của TTCT thứ 2/100%.
T3: Tỷ lệ % TTCT của tổn thương thứ ba; T3 = (100-T1-T2) x giới hạn dưới của TTCT thứ 3/100%.
Tn: Tỷ lệ % TTCT của tổn thương thứ n, Tn= {100-T1-T2-T3-…-T(n-1)} x giới hạn dưới của TTCT thứ n/100%.
2. Ví dụ: Ông Nguyễn Văn D được xác định có 03 TTCT:
– Cụt 1/3 giữa cánh tay phải, tỷ lệ % TTCT là 61 – 65%.
– Nghe kém trung bình hai tai mức độ I, tỷ lệ % TTCT là 21 – 25%.
– Mù mắt trái chưa khoét bỏ nhãn cầu, tỷ lệ % TTCT là 41%
Áp dụng phương pháp nêu trên, tổng tỷ lệ % TTCT của Ông Nguyễn Văn D được tính như sau:
T1 = 65%,
T2 = (100 – 65) x 41/100% = 14,35%, làm tròn số thành 14,0 %.
T3 = (100 – 65 – 14,0) x 21/100% = 4,41 %, làm tròn số thành 4,0%.
Tổng tỷ lệ TTCT của ông Nguyễn Văn D là 65% + 14,0 % + 4 % = 83 %
Tỷ lệ TTCT của ông Nguyễn Văn D là 83 %.
Nhấn vào đây để quay về chuyên trang luật sư tư vấn lao động hoặc liên hệ luật sư tư vấn lao động : 0904 902 429 0913 597 479