Phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lừa dối khách hàng theo quy định mới nhất ?

1849

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Các tội xâm phạm sở hữu là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định tại Chương XVI của Bộ luật Hình sự năm 2015 (từ Điều 168 đến Điều 180), do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm hại đến quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một trong những tội xâm phạm sở hữu, là việc người phạm tội đã dùng những thủ đoạn gian dối, đưa ra những thông tin sai sự thật, có thể bằng lời nói hoặc hành động làm cho người có tài sản hoặc người có trách nhiệm trông giữ, quản lý tài sản tin, tưởng giả là thật, mà “tự nguyện” giao tài sản cho người phạm tội.

Điều 174 BLHS năm 2015 quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm…”.

Do đó, ta có thể đưa ra khái niệm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau: tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn gian dối, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện với lỗi cố ý, xâm hại đến quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, tổ chức hoặc cá nhân.

Trên thực tế hành vi gian dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hợp thành bởi hai yếu tố. Đó là đưa ra những thông tin gian dối và chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản nhầm lẫn, tin tưởng vào những thông tin không đúng sự thật ấy mà trao tài sản cho người phạm tội. Khi giao tài sản chủ tài sản không biết mình bị lừa dối. Họ có thể phát hiện ra ngay sau khi trao tài sản nhưng bản chất của hành vi chiếm đoạt là dựa trên thủ đoạn lừa dối thì vẫn bị xử lý về tội này.

Nếu tài sản chiếm đoạt đang trong sự chiếm hữu của chủ tài sản thì hình thức thể hiện cụ thể của hành vi chiếm đoạt là hành vi nhận tài sản từ người bị lừa dối. Khi nhận tài sản cũng là lúc người phạm tội đã làm chủ được tài sản đó trên thực tế và cũng là lúc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được coi là hoàn thành.

Nếu tài sản bị chiếm đoạt đang ở trong sự chiếm hữu của người phạm tội thì hình thức thể hiện của hành vi chiếm đoạt là hành vi giữ lại tài sản đáng lẽ phải giao cho người bị lừa dối vì đã tin vào thông tin của người phạm tội nên người bị lừa dối đã nhận nhầm tài sản hoặc không nhận. Khi người bị lừa dối nhận nhầm hoặc không nhận tài sản cũng là lúc người phạm tội lừa đảo đã làm chủ được tài sản đó và cũng là thời điểm hoàn thành của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ví dụ: A nhờ B chuyển cho C số tiền 50 triệu đồng. Trong lúc giao tiền cho C, B đã dùng thủ đoạn gian dối là ghi trong giấy giao nhận tiền là số tiền 50 triệu đồng, do tin tưởng B nên C đã ký vào giấy nhận tiền và không đếm cụ thể số tiền mình nhận, nhưng thực tế thì B chỉ giao cho C số tiền 40 triệu đồng. Khi về đến nhà C mới phát hiện ra số tiền mình nhận được chỉ là 40 triệu đồng, thiếu 10 triệu đồng. Như vậy B đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản thể hiện ở việc B ghi vào giấy giao nhận tiền với C là số tiền 50 triệu đồng, nhưng thực tế B chỉ giao cho C số tiền 40 triệu đồng và giữ lại 10 triệu đồng.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tội có cấu thành vật chất, chính vì vậy việc xác định tài sản bị chiếm đoạt là dấu hiệu bắt buộc, đây là dấu hiệu định lượng để xác định cấu thành cơ bản hoặc cấu thành định khung tăng nặng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tội lừa dối khách hàng

Điều 198 của BLHS năm 2015 quy định:

“1. Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng…”

Tội lừa dối khách hàng là trường hợp người phạm tội có hành vi gian dối trong cân đo, đong đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác… trong việc mua bán với khách hàng gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Điểm giống nhau của cả hai tội này đều được thực hiện bằng thủ đoạn gian dối, tuy nhiên đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hành vi gian dối được thực hiện dưới mọi hình thức còn đối với tội lừa dối khách hàng hành vi gian dối chỉ diễn ra trong quan hệ mua bán bằng những hành vi cụ thể như cân, đo, đong đếm thiếu, mua bán hàng giả …

Liên hệ luật sư tư vấn hình sự : 0913 597 479  ; 0904 902 429