Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị xử lý như thế nào ?

1088

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là việc người phạm tội chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn gian dối. Tội phạm được thực hiện bởi lỗi cố ý trực tiếp.

A. Các dấu hiệu pháp lý của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1) Khách thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Hành vi nêu trên xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác

2) Mặt khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Thứ nhất : hành vi chiếm đoạt là dấu hiệu bắt buộc. Đó là hành vi cố tình dịch chuyển một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành tài sản của mình hoặc cho người khác mà mình quan tâm. Tuy nhiên, thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của tội này khác với tội phạm có tính chiếm đoạt khác ở chỗ, người phạm tội đã dùng thủ đoạn “gian dối”.

Gian dối chiếm đoạt tài sản là việc người phạm tội đưa ra những thông tin không đúng sự thật làm cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản lầm tưởng, tự nguyện trao tài sản cho người phạm tội. Thủ đoạn gian dối được hợp thành bởi 2 yếu tố :

a/ Hành vi gian dối của người phạm tội bằng lời nói, hành động hoặc những biểu hiện ngôn ngữ khác nhằm cung cấp thông tin sai lệch về sự việc, như nói không thành có, ít thành nhiều, xấu thành tốt, giả thành thật …

b/ Chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản lầm tưởng, tự nguyện trao tài sản cho người phạm tội.

Trường hợp người phạm tội có hành vi gian dối nhưng chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản không bị lầm tưởng, không tự nguyện trao tài sản cho người phạm tội mà người phạm tội phải dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác để chiếm đoạt tài sản thì không cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà sẽ cấu thành các tội chiếm đoạt có hành vi tương ứng.

Trường hợp người phạm tội có hành vi gian dối nhưng chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản không bị lầm tưởng, không tự nguyện trao tài sản cho người phạm tội, người phạm tội không có hành vi chiếm đoạt nào khác thì có thể người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở giai đoạn phạm tội chưa đạt.

Nếu người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối nhưng không hướng tới việc chiếm đoạt tài sản mà hướng tới mục đích khác thì có thể cấu thành các tội phạm khác được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Thứ hai : hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải thỏa mãn điều kiện về số tiền chiếm đoạt (được quy định tại điều 174)

3) Mặt chủ quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Tội phạm được thực hiện bởi lỗi cố ý trực tiếp.

Xem thêmTội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bị xử lý như thế nào ?

Liên hệ luật sư tư vấn hình sự : 0913 597 479  ; 0904 902 429 

B. Khung hình phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật Hình sự năm 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Xem thêm : Làm gì để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự ?

C. Một số bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1) Bản án 01

Bị cáo Trần Thị N (SN 1979, trú tại TDP 1, TT. Đ, huyện Đ, tỉnh Kon Tum) nguyên là giáo viên trường THCS C, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Kon Tum.

Bản thân N không phải là thành viên trong Hội đồng tuyển sinh, tuyển dụng, không có khả năng xét tuyển biên chế, luân chuyển công tác cán bộ. Tuy nhiên, vì cần tiền để trả nợ và tiêu xài cá nhân nên từ năm 2015 đến năm 2017, Trần Thị N đã đưa ra thông tin gian dối là có mối quan hệ rộng, có khả năng xin biên chế, luân chuyển cán bộ đối với các cá nhân có nhu cầu xin việc, xin chuyển công tác để chiếm đoạt tổng số tiền 1.915.000.000 đồng.

Quyết định của Tòa án :

Tuyên bố bị cáo Trần Thị N phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Xử phạt bị cáo Trần Thị N 12 (Mười hai) năm 06 (Sáu) tháng tù. Buộc bị cáo Trần Thị N trả lại cho các bị hại tổng số tiền 1.765.000.000 đồng (Một tỷ bảy trăm sáu mươi lăm triệu đồng).

2) Bản án 02

Theo cáo trạng, Bách là đồng nghiệp của ông Hồ Anh Tín ở phường Phước Ninh, quận Hải Châu, làm việc tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Đà Nẵng.

Khoảng đầu năm 2017, do biết ông Tín có quen biết với nhà sách ở các tỉnh, có thể nhập sách số lượng lớn về bán. Bách nảy sinh ý định lừa đảo bằng việc nhờ ông Tín đứng ra liên hệ lấy sách giáo khoa các loại về giao cho Bách đi bán kiếm lời.

Do tin tưởng Bách, ông Tín liên hệ mua sách của các đơn vị, cá nhân gồm : Bà Nguyễn Thị Việt Hà, tỉnh Quảng Ngãi; bà Phạm Thị Hường, tỉnh Quảng Bình và ông Nguyễn Văn Đức, tỉnh Quảng Nam giao cho Bách. Tổng giá trị sách ông Tín giao cho Bách hơn 17 tỷ đồng.

Sau khi nhận sách từ ông Tín, Bách liên hệ các đại lý sách để bán với mức giá chiết khấu cao, từ 19%- 38% nhằm lấy được tiền ngay. Mặc dù các đại lý thanh toán đầy đủ tiền hàng, nhưng Bách chỉ trả cho Tín hơn 10 tỷ đồng để trả cho các đơn vị, còn lại, Bách chiếm đoạt để sử dụng cá nhân.

Ngoài ra, Bách cũng nhờ ông Tín lấy số lịch trị giá 70 triệu đồng từ công ty 2 người đang làm việc chung đi bán và có mượn ông Tín 220 triệu đồng nhưng cũng không trả. Như vậy, tổng số tiền Bách đã nhận và chiếm đoạt của ông Hồ Anh Tín là 7,071 tỷ đồng.

Quá trình điều tra và tại tòa, Bách khai do cần tiền trả nợ đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá từ năm 2016. Tuy nhiên, do toàn bộ số tiền chiếm đoạt Bách đã sử dụng hết nên hiện không đủ khả năng trả lại bị hại. Bách hứa, sau khi chấp hành án xong sẽ đi làm trả nợ cho bị hại.

Quyết định của Tòa án :

Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã tuyên phạt Trần Ngô Gia Bách mức án 17 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời buộc Bách hoàn trả toàn bộ số tiền hơn 7 tỷ đồng đã lừa đảo, chiếm đoạt nói trên.

Liên hệ luật sư tư vấn hình sự : 0913 597 479  ; 0904 902 429