Nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn theo quy định mới nhất

1445

1. Nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn theo quy định mới nhất

Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về “Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn”

– Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

–  Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

–  Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Như vậy, trong trường hợp chồng/vợ không trực tiếp nuôi con thì chồng/vợ có nghĩa vụ phải cấp dưỡng cho con (trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác).

2. Mức cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn hiện nay tối thiểu là bao nhiêu ?

Mục 11 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP của hội đồng thẩm phán quy định tiền cấp dưỡng nuôi con : “Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý…”.

Khi quyết định mức tiền trợ cấp nuôi con, tòa án sẽ căn cứ vào :

– Mức thu nhập của người trợ cấp, vì vậy mức cấp dưỡng thường không cao hơn mức thu nhập của người trợ cấp. Trong trường hợp mức cấp dưỡng nuôi con tòa án phán quyết vẫn vượt quá khả năng của người cấp dưỡng thì người cấp dưỡng có quyền làm đơn đề nghị tòa án xem xét lại mức cấp dưỡng.

– Độ tuổi của người con được trợ cấp để xác định mức cấp dưỡng cho con.

– Điều kiện sống của người con, mức cấp dưỡng không có sự thay đổi quá lớn ảnh hưởng đến cuộc sống của con.

Pháp luật hiện hành không quy định mức cấp dưỡng là một số tiền cụ thể mà tạo điều kiện cho các bên tự thỏa thuận dựa vào điều kiện, thu nhập của người cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Thông thường thực tế Toà án thường ấn định mức cấp dưỡng dao động 15% – 30% mức thu nhập của người cấp dưỡng. Trường hợp không xác định được mức thu nhập của người cấp dưỡng thì theo lương tối thiểu vùng (không thấp hơn ½ lương tối thiểu vùng) hoặc án lệ trước đó sẽ là căn cứ để Tòa án giải quyết vụ việc.

Lương tối thiểu vùng năm 2021 là bao nhiêu ?

Kể từ ngày 01/01/2021, mức lương tối thiểu vùng tiếp tục thực hiện theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP với mức như sau :

Mức lương Địa bàn áp dụng
4.420.000 đồng/tháng Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I
3.920.000 đồng/tháng Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II
3.430.000 đồng/tháng Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III
3.070.000 đồng/tháng Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV

 

3. Có được quyền thăm con nếu chậm cấp dưỡng cho con không ?

Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn (Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014)

– Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Như vậy, sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở không phụ thuộc vào việc người đó có nghĩa vụ cấp dưỡng hay không hoặc có thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cấp dưỡng hay không. Trường hợp chồng/vợ có hành vi cản trở quyền thăm nom con của vợ/chồng thì có thể liên hệ đến chính quyền địa phương (Ủy ban nhân dân, công an,..) hoặc gửi đơn đến Tòa để được bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình.

Hành vi cản trở quyền thăm nom con của vợ/chồng có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP

“Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.”

4. Có được quyền ngừng cấp dưỡng vì không được thăm con không ?

Trong trường hợp chồng/vợ không trực tiếp nuôi con thì chồng/vợ có nghĩa vụ phải cấp dưỡng cho con (trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác). Việc chồng/vợ có hành vi cản trở quyền thăm nom con của bạn không phải là yếu tố loại trừ nghĩa vụ cấp dưỡng của vợ/chồng nên vợ/chồng không có quyền dừng việc cấp dưỡng. Trường hợp chồng/vợ muốn dừng việc cấp dưỡng cho con thì bạn phải thỏa thuận bằng văn bản với vợ/chồng.

5. Chồng không cấp dưỡng cho con thì phải làm thế nào ?

Trong trường hợp chồng không cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn, người vợ có thể gửi đơn yêu cầu thi hành án nơi làm thủ tục ly hôn để đề nghị Chi cục Thi hành án tiến hành thủ tục yêu cầu chồng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

Hồ sơ đề nghị yêu cầu thi hành án cấp dưỡng nuôi con bao gồm :

Đơn yêu cầu thi hành án (theo mẫu);

– Bản án quyết định của Tòa án về việc ly hôn;

– Bản sao chứng minh thư, sổ hộ khẩu của cả hai bên (có công chứng hoặc chứng thực);

– Bản sao giấy khai sinh của con (có công chứng hoặc chứng thực);

– Các giấy tờ cần thiết chứng minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án (nếu có).

Tải về mẫu đơn yêu cầu thi hành án cấp dưỡng mới nhất

Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay.

Người phải thi hành án phải kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với cơ quan thi hành án dân sự và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình.

6. Không cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn sẽ bị xử lý thế nào ? Không cấp dưỡng cho con sau ly hôn có bị phạt tù không ?

Tùy theo mức độ nghiêm trọng, việc không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn có thể bị xử phạt hành chính hoặc nghiêm trọng hơn sẽ bị xử lý hình sự.

– Về xử phạt hành chính

Căn cứ khoản 3 Điều 52 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã:

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Không thực hiện công việc phải làm, không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định;

+ Trì hoãn thực hiện nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp có điều kiện thi hành án;

+ Không thực hiện đúng cam kết đã thỏa thuận theo quyết định công nhận sự thỏa thuận của Tòa án nhân dân;

+ Cung cấp chứng cứ giả cho cơ quan Thi hành án dân sự.

– Về xử lý hình sự, truy cứu trách nhiệm hình sự

Điều 186. Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng

Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quyết định của Tòa án mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

7. Có thể yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng cho con không ? Thủ tục yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn ?

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con (Khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Mức trợ cấp sẽ thay đổi (tăng hoặc giảm) tùy vào nhu cầu thiết yếu của con, càng lớn con càng cần mức cấp dưỡng cao hơn do nhu cầu ăn uống và học hành tăng theo phù hợp với thực tế, và vì thế mức cấp dưỡng theo đó cũng tăng lên.

Hoặc cha/mẹ vì lý do nào đó, thu nhập giảm sút nghiêm trọng không có khả năng duy trì hoặc nâng cao mức trợ cấp thì cha và mẹ thỏa thuận về mức trợ cấp dành cho con. Tòa án chỉ giải quyết khi hai bên có tranh chấp không thống nhất được mức trợ cấp.

Để có thể yêu cầu việc thay đổi mức cấp dưỡng thì người yêu cầu phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh.

Đối với trường hợp yêu cầu giảm mức cấp dưỡng cho con : người cấp dưỡng gặp phải các khó khăn về mặt kinh tế, sụt giảm về mặt thu nhập, là lao động chính trong gia đình cần nuôi dưỡng các thành viên khác, các khoản nợ nần hoặc gặp vấn đề về sức khỏe, bệnh tật,… nên không thể cấp dưỡng cho con như thỏa thuận ban đầu.

Đối với trường hợp yêu cầu tăng mức cấp dưỡng cho con : nhu cầu học tập , nhu cầu sinh hoạt của con ngày càng cao, giá cả sinh hoạt tăng nhanh, … nên mức cấp dưỡng theo quyết định của Tòa án không còn phù hợp nữa

Hồ sơ yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng cho con gồm những gì ?

Đơn yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng cho con;

– Bản sao bản án hoặc quyết định của Tòa án đã giải quyết cho vợ chồng ly hôn và vấn đề nuôi con chung;

– Bản sao sổ hộ khẩu hoặc CMND;

– Giấy tờ chứng minh các điều kiện : thu nhập;

– Các giấy tờ chứng minh khác có liên quan (giấy vay nợ, hồ sơ khám chữa bệnh, hóa đơn viện phí khám sức khỏe,…)

Tòa án tiến hành giải quyết yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn ?

Hồ sơ yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn được gửi tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, trừ trường hợp một bên (hoặc cả hai bên) đương sự ở nước ngoài.

Án phí, lệ phí để yêu cầu tòa án thay đổi mức cấp dưỡng ?

Án phí, lệ phí để yêu cầu tòa án  thay đổi mức cấp dưỡng là 300.000 VNĐ.

Tải về mẫu đơn yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng cho con mới nhất

Nhấn vào đây để quay về chuyên trang luật sư tư vấn ly hôn hoặc liên hệ luật sư tư vấn thủ tục ly hôn : 0904 902 429