MỤC LỤC
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Các tội xâm phạm sở hữu là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định tại Chương XVI của BLHS năm 2015 (từ Điều 168 đến Điều 180), do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm hại đến quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân.
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một trong những tội xâm phạm sở hữu, là việc người phạm tội đã dùng những thủ đoạn gian dối, đưa ra những thông tin sai sự thật, có thể bằng lời nói hoặc hành động làm cho người có tài sản hoặc người có trách nhiệm trông giữ, quản lý tài sản tin, tưởng giả là thật, mà “tự nguyện” giao tài sản cho người phạm tội.
Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm…”.
Do đó, ta có thể đưa ra khái niệm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau: tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn gian dối, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện với lỗi cố ý, xâm hại đến quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, tổ chức hoặc cá nhân.
Trên thực tế hành vi gian dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hợp thành bởi hai yếu tố. Đó là đưa ra những thông tin gian dối và chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản nhầm lẫn, tin tưởng vào những thông tin không đúng sự thật ấy mà trao tài sản cho người phạm tội. Khi giao tài sản chủ tài sản không biết mình bị lừa dối. Họ có thể phát hiện ra ngay sau khi trao tài sản nhưng bản chất của hành vi chiếm đoạt là dựa trên thủ đoạn lừa dối thì vẫn bị xử lý về tội này.
Nếu tài sản chiếm đoạt đang trong sự chiếm hữu của chủ tài sản thì hình thức thể hiện cụ thể của hành vi chiếm đoạt là hành vi nhận tài sản từ người bị lừa dối. Khi nhận tài sản cũng là lúc người phạm tội đã làm chủ được tài sản đó trên thực tế và cũng là lúc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được coi là hoàn thành.
Nếu tài sản bị chiếm đoạt đang ở trong sự chiếm hữu của người phạm tội thì hình thức thể hiện của hành vi chiếm đoạt là hành vi giữ lại tài sản đáng lẽ phải giao cho người bị lừa dối vì đã tin vào thông tin của người phạm tội nên người bị lừa dối đã nhận nhầm tài sản hoặc không nhận. Khi người bị lừa dối nhận nhầm hoặc không nhận tài sản cũng là lúc người phạm tội lừa đảo đã làm chủ được tài sản đó và cũng là thời điểm hoàn thành của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ví dụ: A nhờ B chuyển cho C số tiền 50 triệu đồng. Trong lúc giao tiền cho C, B đã dùng thủ đoạn gian dối là ghi trong giấy giao nhận tiền là số tiền 50 triệu đồng, do tin tưởng B nên C đã ký vào giấy nhận tiền và không đếm cụ thể số tiền mình nhận, nhưng thực tế thì B chỉ giao cho C số tiền 40 triệu đồng. Khi về đến nhà C mới phát hiện ra số tiền mình nhận được chỉ là 40 triệu đồng, thiếu 10 triệu đồng. Như vậy B đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản thể hiện ở việc B ghi vào giấy giao nhận tiền với C là số tiền 50 triệu đồng, nhưng thực tế B chỉ giao cho C số tiền 40 triệu đồng và giữ lại 10 triệu đồng.
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tội có cấu thành vật chất, chính vì vậy việc xác định tài sản bị chiếm đoạt là dấu hiệu bắt buộc, đây là dấu hiệu định lượng để xác định cấu thành cơ bản hoặc cấu thành định khung tăng nặng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Điều 175 của BLHS năm 2015:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi phạm tội dưới đây chiếm đoạt tài sản của người khác giá trị từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a, Vay mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b, Vay mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản…”
Cả hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có các yếu tố về khách thể, mặt chủ quan, mặt khách quan và chủ thể của tội phạm cơ bản giống nhau. Tuy nhiên giữa hai tội có sự khác nhau về thời điểm thực hiện hành vi lừa dối, cụ thể :
Đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hành vi lừa dối được người phạm tội thực hiện trước thời điểm thực hiện sự giao kết, thỏa thuận. Việc thực hiện sự giao kết, thỏa thuận trong trường hợp này là sau khi người phạm tội đã chiếm được lòng tin của người bị hại. Như vậy hành vi lừa dối xảy ra trước hành vi chiếm đoạt, là điều kiện để hành vi chiếm đoạt tài sản xảy ra, không có hành vi lừa dối thì không thể chiếm đoạt được tài sản.
Ví dụ: A nói với B là do mẹ bị bệnh nặng và vay B số tiền 10 triệu đồng để đưa mẹ đi cấp cứu, do B tin tưởng nên cho A vay số tiền trên. Sau khi nhận được tiền A đã sử dụng số tiền đó để đánh bạc và bị thua, không có khả năng trả nợ cho B. Qua vụ án trên ta có thể thấy rằng A có hành vi lừa dối B làm cho B tin tưởng, sau đó B mới giao tài sản cho A. Như vậy, hành vi lừa dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trước hành vi giao nhận tài sản giữa chủ tài sản và người phạm tội. Hành vi lừa dối là điều kiện để hành vi chiếm đoạt tài sản xảy ra.
Đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, việc giao nhận tài sản là ngay thẳng thông qua các giao dịch dân sự hợp pháp như hợp đồng vay mượn, cho thuê, nhờ giữ hộ… do đó sau khi có được tài sản thông qua các hợp đồng, giao kết thì hành vi lừa dối mới xảy ra nhằm giữ lại tài sản đáng lẽ phải trả cho chủ tài sản. Sau khi hết thời hạn vay mượn, cho thuê … nhưng người phạm tội cố tình không trả hoặc sử dụng tài sản vào mục đích khác dẫn đến mất khả năng chi trả hoặc bỏ trốn nhằm trốn tránh trách nhiệm phải chi trả tài sản, do đó hành vi lừa dối trong tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được thực hiện nhằm che giấu hành vi chiếm đoạt tài sản và được thực hiện sau khi có sự giao nhận tài sản giữa chủ tài sản và người phạm tội.
Ví dụ: M là bạn của H, ngày 15/3/2017 M hỏi mượn chiếc xe mô tô của H để đi lại và hẹn 5 ngày sau sẽ trả, H đồng ý và giao xe cho M. Sau khi nhận được xe, M đã sử dụng xe để tham gia đánh bạc và bị thua, do không có tiền trả nợ nên M đã mang xe của H đi cầm cố lấy tiền trả nợ và tiêu xài, sau đó không có khả năng chuộc xe về trả cho H, sau 02 tuần M nói với H là xe bị mất trộm. Như vậy hành vi lừa dối của M có sau hành vi M nhận tài sản từ H, mục đích nói dối của M là nhằm che dấu hành vi chiếm đoạt tài sản của mình (do M đã mang xe đi cầm cố và không có khả năng chuộc xe về trả cho H).
Như vậy giữa tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản có sự khác nhau về thời điểm và mục đích của hành vi lừa dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Vì vậy để xác định người phạm tội thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản phải xem xét thời điểm giao nhận tài sản có hay không mục đích chiếm đoạt. Nếu người phạm tội có hành vi gian dối ngay từ đầu nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì đó là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu tại thời điểm giao nhận tài sản người phạm tội chưa có hành vi gian dối, mà việc giao nhận được thực hiện một cách ngay thẳng nhưng sau khi có được tài sản thì người phạm tội mới có hành vi gian dối nhằm che dấu việc chiếm đoạt tài sản thì đó là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Liên hệ luật sư tư vấn hình sự : 0913 597 479 ; 0904 902 429