Thủ tục ly hôn thuận tình mới nhất năm 2021

632

1. Ly hôn thuận tình là gì?

Ly hôn thuận tình là trường hợp ly hôn theo yêu cầu của cả hai vợ chồng khi đã thỏa thuận được tất cả những vấn đề quan hệ hôn nhân, quyền nuôi con, cấp dưỡng, tài sản chung, nợ chung.

2. Điều kiện để được yêu cầu ly hôn thuận tình ?

– Hai bên tự nguyện ly hôn

– Hai bên đã thỏa thuận, đồng thuận về việc chia tài sản, quyền nuôi con, nghĩa vụ cấp dưỡng…

3. Những trường hợp Tòa không giải quyết ly hôn thuận tình ?

Tòa án sẽ không giải quyết ly hôn thuận tình trong các trường hợp sau đây:

– Trong phiên hòa giải, hai bên vợ chồng đồng ý đoàn tụ lại với nhau thì Tòa sẽ không giải quyết ly hôn thuận tình mà lập biên bản hòa giải thành và ra quyết định đình chỉ giải quyết thuận tình ly hôn.

– Trong phiên hòa giải, hai bên không thỏa thuận được tất cả những vấn đề quan hệ hôn nhân, quyền nuôi con, cấp dưỡng, tài sản chung, nợ chung thì trong trường hợp này Tòa án cũng sẽ không giải quyết theo thủ tục ly hôn thuận tình mà chuyển hướng sang giải quyết theo vụ án ly hôn đơn phương theo yêu cầu của một bên

– Trong các phiên họp lấy lời khai, hòa giải, giao nộp tài liệu chứng cứ mà một trong hai bên vợ chồng có yêu cầu vắng mặt, không có đơn vắng mặt, không có lý do chính đáng thì Tòa án sẽ xác định rằng người yêu cầu từ bỏ yêu cầu và ra quyết định đình chỉ giải quyết việc công nhận thuận tình ly hôn.

4. Thủ tục ly hôn thuận tình mới nhất năm 2021 bao gồm những bước nào ?

Bước 1 : Chuẩn bị hồ sơ ly hôn

Những giấy tờ cần thiết gồm:

Mẫu đơn xin ly hôn thuận tình mới nhất năm 2021 ;

– Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);

– Chứng minh nhân dân của vợ và chồng (bản sao có chứng thực);

– Giấy khai sinh của các con (nếu có con chung, bản sao có chứng thực);

– Sổ hộ khẩu gia đình (bản sao có chứng thực);

– Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung (nếu có tài sản chung, bản sao có chứng thực).

Khi tiến hành thủ tục ly hôn thuận tình mà thiếu một số giấy tờ thì làm thế nào ?

– Trong trường hợp không có bản chính giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thì có thể xin trích lục  tại Ủy ban nhân dân cấp xã/phường nơi tiến hành việc đăng ký kết hôn.

– Trong trường hợp không có giấy khai sinh thì có thể liên hệ với cơ quan hộ tịch nơi đã đăng ký khai sinh để xin cấp bản sao.

– Trong trường hợp không có sổ hộ khẩu thì liên hệ với công an cấp xã/ phường nơi thường trú xác nhận rằng là nhân khẩu thường trú tại địa phương. Việc xác nhận này có thể làm một đơn riêng, cũng có thể nhờ công an xác nhận ngay vào đơn xin ly hôn.

– Trường hợp không có chứng minh nhân dân của vợ/chồng thì theo hướng dẫn của Tòa án để nộp giấy tờ tùy thân khác thay thế.

Tải về Mẫu đơn xin ly hôn thuận tình mới nhất năm 2021

Bước 2 : Nộp đơn xin ly hôn

Nếu hai vợ chồng thuận tình ly hôn thì vợ/chồng nộp hồ sơ để làm thủ tục ly hôn thuận tình tại Tòa án cấp quận/huyện nơi cư trú của vợ hoặc của chồng để làm thủ tục.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án sẽ phân công Thẩm phán giải quyết.

* Chú ý

Tuy nhiên, đối với cả 2 trường hợp ly hôn trên, nếu những vụ án ly hôn này có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài thì Tòa án cấp huyện không có thẩm quyền mà thuộc về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Bước 3 : Nhận thông báo nộp tiền án phí

Sau khi đã nhận đơn khởi kiện với hồ sơ hợp lệ thì Tòa án sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí. Mức án phí sẽ áp dụng khi giải quyết thủ tục ly hôn được quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 như sau:

Án phí dân sự, hôn nhân gia đình sơ thẩm không có giá ngạch là: 300.000 đồng

Án phí trong trường hợp giải quyết thủ tục ly hôn có xảy ra tranh chấp về tài sản, sẽ áp dụng như sau:

– Từ 6.000.000 đồng trở xuống: Mức án phí là 300.000 đồng;

– Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng: Mức án phí là 5% giá trị tài sản có tranh chấp;

– Từ 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng: Mức án phí là 20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng;

– Từ 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng: Mức án phí là 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800.000.000 đồng;

– Từ 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng: Mức án phí là 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng;

– Trên 4.000.000.000 đồng: Mức án phí là 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng.

Bước 4: Nộp tiền án phí

Đương sự sẽ nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại Chi cục thi hành án quận/huyện và sẽ nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án.

Bước 5: Thụ lý giải quyết

– Trong thời hạn 15 ngày làm việc, Tòa án tiến hành mở phiên hòa giải.

– Trong thời hạn 07 ngày kể từ sau khi hòa giải không thành (vợ/chồng không thay đổi quyết định về vấn đề ly hôn). Nếu các bên vẫn không thay đổi ý kiến, Tòa án sẽ ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn.

Bước 6: Thời gian giải quyết ly hôn trong bao lâu ?

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, thời gian giải quyết của một vụ ly hôn thuận tình kéo dài khoảng 02 – 03 tháng, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn, trường hợp nhanh có thể trong 01 – 02 tuần. Quy trình : Thụ lý đơn – Chuẩn bị xét đơn yêu cầu và mở phiên họp công khai để giải quyết việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn – Ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn.

5. Thuận tình ly hôn có cần hòa giải không?

Theo quy định pháp luật hiện hành, với thủ tục ly hôn thuận tình, vợ chồng sẽ trải qua 2 bước hòa giải bao gồm: hòa giải tại cơ sở (tại tổ dân phố, xã, phường, thôn, …) và hòa giải tại Tòa án.

Thuận tình ly hôn có cần hòa giải tại cơ sở không ?

Điều 52 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.”

Khoản 1 Điều 4 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải như sau: “Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở

Như vậy, việc hòa giải tại cơ sở (tại tổ dân phố, xã, phường, thôn, …) chỉ được Nhà nước khuyến khích chứ không phải là một thủ tục bắt buộc..

Thuận tình ly hôn có cần hòa giải tại Tòa án không ?

Điều 54 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.”

Khoản 2 Điều 397 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về vấn đề hòa giải khi ly hôn thuận tình thì:” Thẩm phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ; giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình

Có thể thấy, hòa giải ở tòa án là thủ tục bắt buộc khi vợ chồng yêu cầu Tòa án giải quyết việc thuận tình ly hôn. Thủ tục hòa giải được thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị xét xử với mục đích hàn gắn vợ chồng, tạo điều kiện thuận lợi để vợ chồng đoàn tụ đồng thời giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.

Sau khi tiến hành hòa giải thì Thẩm phán phải ra các quyết định phù hợp với kết quả đã hòa giải.

Tuy nhiên, Tòa án có thể không tiến hành hòa giải trong trường hợp cả hai bên vợ chồng đều đề nghị không tiến hành hòa giải vì lý do chính đáng. Lúc này, Tòa án dựa trên yêu cầu của đương sự và giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn theo quy định của pháp luật.

Thuận tình ly hôn hòa giải mấy lần?

Hoà giải ly hôn thuận tình có thể được tổ chức từ 1 đến 2 lần triệu tập hợp lệ.

Trong lần triệu tập hợp lệ thứ nhất, nếu cả 2 bên đương sự đều không có mặt thì Tòa sẽ coi như 2 bên từ bỏ việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn và sẽ đình chỉ giải quyết yêu cầu. Nếu trường hợp 1 bên vắng mặt trong lần triệu tập hợp lệ thứ nhất mà có lý do chính đáng thì Tòa sẽ hoãn phiên hòa giải.

Trong lần triệu tập hợp lệ thứ hai, hai bên bắt buộc phải có mặt, nếu 1 bên tiếp tục vắng mặt thì Tòa sẽ coi đây là vụ việc không tiến hành hòa giải được và đưa vụ việc vào xét xử nếu có ý kiến bên còn lại vẫn muốn tiếp tục ly hôn.

Hòa giải có thể vắng mặt không?

Khi ly hôn, theo quy định của pháp luật thì không bắt buộc phải hòa giải cơ sở mà chỉ khuyến khích các bên tham gia còn hòa giải ở tòa án là thủ tục bắt buộc khi vợ chồng yêu cầu Tòa án giải quyết việc thuận tình ly hôn.

Đối với phiên hoà giải thuận tình ly hôn thì 2 bên đương sự phải có mặt, trường hợp 1 bên vắng mặt mà không có lí do hay đơn xin xét xử vắng mặt thì Tòa sẽ coi là từ bỏ yêu cầu của mình và Tòa sẽ giải quyết theo hướng đơn phương nếu vẫn có yêu cầu của bên còn lại.

Xem thêm : Thủ tục ly hôn đơn phương mới nhất năm 2021 ?

Nhấn vào đây để quay về chuyên trang luật sư tư vấn ly hôn hoặc liên hệ luật sư tư vấn thủ tục ly hôn : 0904 902 429