Các biện pháp phòng ngừa tranh chấp nội bộ doanh nghiệp

1377

1. Các biện pháp phòng ngừa tranh chấp nội bộ doanh nghiệp

a. Lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp

Việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp để bắt đầu kinh doanh rất quan trọng vì điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng nắm quyền quản lý, quyền quyết định của sáng lập viên; cơ cấu tổ chức, quản trị nội bộ doanh nghiệp; khả năng huy động vốn; chuyển nhượng vốn hay bán doanh nghiệp.

Tại thời điểm kinh doanh ban đầu, khi mô hình kinh doanh còn nhỏ, cần tiết kiệm chi phí và nhà sáng lập có nhu cầu quản lý hoàn toàn công việc kinh doanh của doanh nghiệp thì họ có thể thành lập doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (nếu chỉ có một nhà sáng lập) hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (nếu có từ hai nhà sáng lập trở lên).

Khi doanh nghiệp phát triển và cần mở rộng hoạt động kinh doanh, nhà sáng lập có thể mời thêm số ít tổ chức hoặc cá nhân khác thân quen với mình để góp thêm vốn và tiếp thu kinh nghiệm kinh doanh từ các tổ chức hoặc cá nhân mới góp vốn này. Tuy vậy, quyền quản lý công ty vẫn cần được bảo đảm nằm trong một nhóm ít thành viên và loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là loại hình doanh nghiệp phù hợp. Khi công ty ngày càng phát triển và có nhu cầu huy động vốn thông qua việc phát hành chứng khoán thì công ty trách nhiệm hữu hạn có thể được chuyển đổi thành công ty cổ phần và trở thành công ty đại chúng là bước phát triển cuối cùng của doanh nghiệp khi đã phát triển tới một quy mô nhất định. Đây là xu hướng phát triển chung của các công ty từ giai đoạn khởi nghiệp đến giai đoạn tăng trưởng và ổn định. Quy trình phát triển nêu trên giúp các công ty khởi nghiệp và nhà sáng lập làm quen với quản trị nội bộ công ty, hiểu được bản chất các mối quan hệ trong công ty của mình và xây dựng phương án quản trị nội bộ công ty phù hợp với văn hóa và định hướng phát triển của mình.

b. Xây dựng Điều lệ công ty chặt chẽ, xác định rõ vốn điều lệ và tỉ lệ sở hữu công ty của các thành viên, cổ đông công ty ngay từ thời điểm thành lập công ty

Với phạm vi điều chỉnh về vấn đề thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và các hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, pháp luật về doanh nghiệp, đặc biệt là Luật Doanh nghiệp hiện hành là một hệ thống các thiết chế, mô hình quản trị, quy định về quản trị nội bộ doanh nghiệp nhằm đề phòng tranh chấp cũng như đưa ra biện pháp xử lý mối quan hệ phức tạp giữa nhiều bên trong nội bộ doanh nghiệp. Trên cơ sở quy định pháp luật, các công ty tự xây dựng Điều lệ công ty để áp dụng riêng trong nội bộ công ty mình cho phù hợp với đặc thù ngành nghề, văn hóa doanh nghiệp và quan điểm quản trị khác nhau. Điều lệ công ty là tài liệu bắt buộc phải có khi đăng ký thành lập công ty tại Cơ quan đăng ký kinh doanh, là tài liệu nội bộ của công ty, trực tiếp quy định và điều chỉnh việc thành lập, quản lý, cơ cấu tổ chức, hoạt động, tổ chức lại và giải thể công ty. Điều lệ công ty hợp pháp và hợp lệ sẽ có giá trị pháp lý đối với công ty và ràng buộc thành viên, cổ đông công ty, trong nhiều trường hợp, Điều lệ công ty còn có giá trị pháp lý với bên thứ ba (đối tác kinh doanh, chủ nợ…). Do chưa hiểu bản chất và vai trò của Điều lệ công ty nên khi khởi nghiệp, các nhà sáng lập không chuẩn bị hoặc chuẩn bị sơ sài, sao chép Điều lệ mẫu có sẵn để áp dụng cho công ty mình.

Theo Điều 24 Luật Doanh nghiệp 2020, Điều lệ công ty phải có 13 nội dung bắt buộc, ngoài ra công ty có thể quy định thêm những nội dung khác nhưng không được trái quy định của pháp luật doanh nghiệp. Những điểm quan trọng mà thành viên, cổ đông sáng lập cần bàn bạc, thống nhất và được tư vấn kỹ khi soạn thảo Điều lệ công ty đó là:

– Lựa chọn người đại diện theo pháp luật của công ty, quy định rõ số lượng người đại diện, thẩm quyền và phạm vi đại diện của mỗi người để tránh tranh chấp và xung đột.

– Nội dung về “vốn điều lệ, tỉ lệ phần vốn góp, tổng số cổ phần, loại cổ phần và mệnh giá từng loại cổ phần vì nó là căn cứ pháp lý xác lập tự cách thành viên, cổ đông, phần vốn góp hay tỉ lệ sở hữu cổ phần của cổ đồng, là cơ sở xác định quyền và nghĩa vụ của thành viên, cổ đông.

– Quyền và nghĩa vụ cụ thể của thành viên, cổ đông; thể thức và tỉ lệ thông qua các quyết định của công ty, các trường hợp công ty mua lại phần vốn góp của thành viên hoặc cổ phần của cổ đồng; nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh; thể thức sửa đổi hoặc bổ sung điều lệ công ty; giải thể và thanh lý tài sản công ty, cơ chế giải quyết tranh chấp nội bộ trong Điều lệ công ty; tiêu chuẩn và nghĩa vụ của người quản lý công ty. Đây là những nội dung Luật Doanh nghiệp 2020 quy định theo hướng mở, các công ty có thể tự chủ động quy định khác (nhưng không trái) luật. Như ví dụ đã nêu về trường hợp một công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập với 3 thành viên, trong đó có một thành viên sở hữu 65% vốn điều lệ trong công ty thì để hạn chế quyền của thành viên sở hữu 65% vốn điều lệ, các thành viên cần cùng nhau thỏa thuận thay đổi điều kiện họp hợp lệ và biểu quyết thông qua các quyết định công ty theo hướng cao hơn tỉ lệ luật định và ghi nhận vào Điều lệ công ty.

– Điều lệ công ty có thể ghi nhận thêm cơ chế tăng quyền (ví dụ tăng quyền biểu quyết bằng phát hành cổ phần ưu đãi biểu quyết) và ràng buộc nghĩa vụ của nhà sáng lập để đảm bảo nhà sáng lập sẽ gắn bó cũng như điều hành công ty theo chiến lược và phương án kinh doanh đã định, tránh trường hợp sáng lập viên “đem con bỏ chợ”.

c. Thiết lập thỏa thuận giữa các sáng lập viên

Ngoài Điều lệ công ty, sáng lập viên (hoặc một số thành viên, cổ đông công ty) có thể ký kết một hoặc một số thỏa thuận riêng để thống nhất về các vấn đề có liên quan đến việc quản lý công ty cũng như bảo vệ quyền lợi của họ để đảm bảo rằng công ty sẽ hoạt động theo đúng chí hướng, mục tiêu, ý tưởng kinh doanh chung đã được các sáng lập viên cùng xác định trước đó. Thỏa thuận này thường được gọi bằng những cái tên như “thoả thuận góp vốn”, “thỏa thuận hợp tác”, “thỏa thuận thành viên”, “thỏa thuận cổ đông sáng lập”. Thỏa thuận sáng lập viên thường được sử dụng trong giai đoạn tiền khởi nghiệp, là giai đoạn các sáng lập viên cùng bàn bạc, thống nhất các vấn đề quan trọng để chuẩn bị cho việc thực hiện dự án khởi nghiệp. Bản thỏa thuận giữa các sáng lập viên có thể chính là các điều khoản vạch ra luật chơi trong quản trị nội bộ công ty hoặc bao gồm điều khoản về tài sản, công sức đóng góp, phân công công việc, quyền quyết định, các cam kết, quyền và nghĩa vụ của từng bên, quyền sở hữu tài sản, phân chia lợi nhuận và cả việc thoái vốn hoặc chấm dứt hợp tác. Thỏa thuận sáng lập viên có thể được dùng là nền tảng để đưa vào điều lệ công ty khi các nhà sáng lập thành lập doanh nghiệp hoặc vẫn có giá trị ràng buộc đối với riêng các bên tham gia thỏa thuận dù công ty đã đi vào hoạt động và có Điều lệ công ty. Trên thực tế, có nhiều trường hợp dù công ty đã hoạt động ổn định nhưng vẫn tồn tại các thỏa thuận ngầm giữa các thành viên, cổ đông bởi mặc dù có nhiều nội dung có thể được thỏa thuận trong Điều lệ công ty nhưng có nhiều trường hợp mà vì một lý do nào khác, việc quy định trong Điều lệ công ty là không phù hợp. Thỏa thuận sáng lập viên một cách rõ ràng bằng hình thức văn bản có ý nghĩa quan trọng và tránh những tranh chấp/hoặc tạo cơ sở để giải quyết các tranh chấp điển hình sau:

– Tranh chấp về lợi ích vật chất của những người đồng sáng lập. Quyền lợi này bao gồm mức lương, thưởng, phân chia lợi nhuận, cổ tức và cả nguyên tắc xác định giá trị của việc đóng góp công sức của các sáng lập viên đối với công ty trước và sau khi thành lập. Việc xác định công sức cần được xác định bằng thời gian hay bằng hiệu quả công việc cụ thể, thước đo nào cho vấn đề này là vô cùng cần thiết khi thiết lập thỏa thuận. Những điều trên nếu được làm rõ sẽ tạo nên  một hệ thống quản lý công việc hiệu quả giúp startup hoạt động suôn sẻ hơn.

– Tranh chấp về quyền đối với ý tưởng hoặc tài sản sở hữu trí tuệ và vấn đề bảo mật thông tin đối với dự án. Trong một công ty khởi nghiệp sẽ tồn tại những sản phẩm trí tuệ được tạo ra trước hoặc trong khi công ty vận hành. Có những sản phẩm do mỗi người sáng lập tạo ra, cũng có những sản phẩm do tập thể tạo ra. Khi một thành viên sáng lập rời đi, tranh chấp thường xảy ra. Vì vậy, để hạn chế những bất đồng, mẫu thuẫn không đáng có, thỏa thuận sáng lập viên cần có điều khoản nhằm xác định rõ sản phẩm trí tuệ nào thuộc về công ty hay của cá nhân thành viên sáng lập những quyền sử dụng có liên quan.

– Tranh chấp về việc người sáng lập không gắn bó đến cùng với dự án. Việc các bên đã thỏa thuận cùng tham gia dự án sẽ là cơ sở pháp lý ràng buộc họ có trách nhiệm đến cùng với dự án. Trong trường hợp dự án chưa hoàn thành hoặc chưa hết thời gian thỏa thuận mà một trong các bên sáng lập vi phạm nghĩa vụ gắn bó với dự án thì rất có thể sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường hoặc chịu phạt do vi phạm thỏa thuận.

2. Vai trò của phòng ngừa tranh chấp nội bộ doanh nghiệp đối với mục tiêu khởi nghiệp

“Khởi nghiệp” là thuật ngữ chỉ về những công ty đang trong giai đoạn bắt đầu kinh doanh nói chung, nó thường được dùng với nghĩa hẹp để chỉ các công ty công nghệ trong giai đoạn lập nghiệp. Tại Việt Nam, quan điểm phổ biến nhất cho rằng, khởi nghiệp là sự bắt đầu của một nghề nghiệp và tạo nền tảng cho một sự nghiệp. Theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh.

Trong những năm gần đây, “khởi nghiệp” được tuyên truyền rộng rãi và phát triển thành một phong trào mạnh mẽ, được hưởng nhiều chính sách ưu đãi thiết thực từ phía Nhà nước, nhận hỗ trợ đầu tư từ các nhà đầu tư nên số lượng doanh nghiệp được thành lập mới tại Việt Nam thời gian qua tăng nhanh đáng kể.

Theo Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2018, cả nước có 131.275 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.478.101 tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký. Đây là năm thứ tư liên tiếp có số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký đạt cao nhất trong lịch sử (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2018). Tuy nhiên, phần đông các sáng lập viên khi khởi nghiệp chỉ tập trung vào sự đột phá sáng tạo trong ý tưởng và tập trung nghiên cứu đổi mới về công nghệ nhưng lại rất lúng túng trong quản trị công ty, đặc biệt là quản trị nội bộ công ty. Cũng theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2018, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước là 27.126 doanh nghiệp, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2017. Cả nước có 63.525 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 63,4% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong năm 2018 của cả nước là 16.314 doanh nghiệp, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2017. Như vậy, trong năm 2018, tỉ lệ số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh + chờ giải thể + đã xong thủ tục giải thể (106.965 DN) so với số lượng doanh nghiệp thành lập mới (131.275 DN) là 80%, tức là cứ 100 doanh nghiệp thành lập mới thì có 80 doanh nghiệp khác tạm ngừng hoặc chấm dứt kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2018). Trong những năm trở lại đây, không ít công ty khởi nghiệp tại Việt Nam có “cuộc chia ly” giữa các đồng sáng lập, có những xung đột khi công ty bắt đầu trở thành doanh nghiệp lớn do năng lực quản trị nội bộ công ty không đáp ứng kịp với sự “tăng trưởng, đột phá”. Hiểu biết pháp lý về quản trị sẽ phần nào giảm bớt các thiệt hại và xây dựng công ty bền vững. Tạp chí Forbes có bài nghiên cứu thống kê 20 nguyên nhân khởi nghiệp thất bại và 7 trong số 20 nguyên nhân đó có liên quan đến yếu tố con người, quan hệ nội bộ công ty và văn hóa công ty. Trong đó, “đỗ vỡ công ty đến từ những đồ vỡ nội bộ công ty như sự thiếu liên kết giữa những người sáng lập hoặc nhà đầu tư, sự thiếu thống nhất về quan điểm giữa người sáng lập và các nhà quản lý khác trong công ty. Cũng theo thống kê này, chỉ 2 trong số 20 nguyên nhân khởi nghiệp thất bại là đến từ yếu tố vốn.

Trong quá trình cùng nhau tạo lập và vận hành một thực thể kinh doanh, việc tồn tại những bất đồng, xung đột giữa các thành viên công ty cũng không là ngoại lệ. Nền kinh tế thị trường với những tác động khắc nghiệt của các quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh cùng với sự khác biệt về văn hóa, trình độ hiểu biết giữa các chủ thể càng khiến cho những xung đột, mâu thuẫn trở nên đa dạng với tính chất ngày càng phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của các thành viên công ty và công ty, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển kinh tế xã hội. Do vậy, nhận diện nguyên nhân và biện pháp phòng ngừa tranh chấp nội bộ doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng nhằm hướng tới sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp nói chung và công ty khởi nghiệp nói riêng, đồng thời sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển nền kinh tế xã hội đất nước.

Nhấn vào đây để quay về chuyên trang luật sư tư vấn doanh nghiệp hoặc liên hệ luật sư tư vấn doanh nghiệp : 0904 902 429   0913 597 479