MỤC LỤC
- 1. Luật sư tiến hành nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự
- Nghiên cứu các biên bản về hoạt động tố tụng
- Nghiên cứu bản cáo trạng
- Nghiên cứu bản kết luận điều tra
- Nghiên cứu biên bản hỏi cung bị can và các biên bản ghi lời khai của người tham gia tố tụng, biên bản đối chất
- Nghiên cứu các biên bản khám xét, khám nghiệm hiện trường, thu thập vật chứng, biên bản nhận dạng, biên bản thực nghiệm điều tra…
- Nghiên cứu kết luận giám định
- Kiểm tra giấy tờ về lý lịch của bị can, bị cáo
- Đọc biên bản giao nhận cáo trạng
- Nghiên cứu các loại giấy tờ, tài liệu khác
- 2. Luật sư gặp, trao đổi với bị can, bị cáo
- 3. Luật sư thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa
- 4. Luật sư trao đổi, đề xuất với Tòa án
- Trường hợp cần đề nghị Toà án trả hồ sơ điều tra bổ sung
- Khi cần nhập hoặc tách vụ án
- Khi cần triệu tập người làm chứng quan trọng đến phiên toà
- Khi cần phải thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn đối với bị can, bị cáo
- Cần trung cầu giám định khi có nghi ngờ về năng lực chịu trách nhiệm hình sự của bị cáo (nếu bào chữa cho bị cáo)
- Khi cần đề xuất về địa điểm và phạm vi phiên tòa
- 5. Luật sư chuẩn bị tham gia phiên toà
1. Luật sư tiến hành nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự
Nghiên cứu hồ sơ là một trong những công việc quan trọng của luật sư khi tham gia tố tụng. Kết quả nghiên cứu hồ sơ là cơ sở để luật sư xác định những vấn đề cần trao đổi, đề xuất với cơ quan tiến hành tố tụng cũng như chuẩn bị kế hoạch xét hỏi, xác định phương án bào chữa cho bị cáo.
Căn cứ vào nhiệm vụ bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho đương sự trong từng vụ án cụ thể mà luật sư nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc bảo vệ cho bị cáo hoặc đương sự. Khi nghiên cứu các tài liệu này, luật sư sẽ kiểm tra cả về thủ tục tổ tụng và làm rõ những vấn đề về chứng cứ, đối chiếu với bản cáo trạng để xác định quyết định truy tố có đúng hay không. Các tài liệu được nghiên cứu bao gồm :
– Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo;
– Kết luận giám định;
– Biên bản về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và các tài liệu khác;
Nghiên cứu các biên bản về hoạt động tố tụng
Khi kiểm tra thủ tục tố tụng, luật sư sẽ xem hồ sơ có đảm bảo các thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) hay không. Nếu phát hiện có vi phạm thủ tục tố tụng, luật sư sẽ xem sự vi phạm đó có ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án hay không, có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người mà mình bảo vệ hay không. Nếu sự vi phạm thủ tục tố tụng có ảnh hưởng đến những vấn đề trên thì đó là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và luật sư cần đề nghị Tòa án (TA) trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Nghiên cứu bản cáo trạng
Luật sư đọc bản cáo trạng để hiểu nội dung vụ án, các hành vi phạm tội của bị can, yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại (nếu có) và quan điểm truy tố của VKS; tội danh, điều khoản BLHS mà VKS viện dẫn để truy tố, các chứng cứ được VKS dùng làm căn cứ xác định tội phạm, người phạm tội, mâu thuẫn giữa các chứng cứ, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; yêu cầu bồi thường thiệt hại…
Nghiên cứu bản kết luận điều tra
Luật sư nghiên cứu bản kết luận điều tra để hiểu rõ về diễn biến của tội phạm, các chứng cứ mà cơ quan điều tra (CQĐT) dùng để chứng minh tội phạm, ý kiến đề nghị giải quyết vụ án của CQĐT; xác định những điểm mâu thuẫn giữa bản cáo trạng và kết luận điều tra; ý kiến đề nghị giải quyết vụ án của CQĐT có lợi cho người mà mình bào chữa, bảo vệ.
Nghiên cứu biên bản hỏi cung bị can và các biên bản ghi lời khai của người tham gia tố tụng, biên bản đối chất
– Đọc biên bản hỏi cung bị can
Luật sư đọc biên bản hỏi cung bị can xem bị can có nhận những hành vi nêu trong cáo trạng hay không, tư tưởng, động cơ, mục đích, việc thực hiện hành vi phạm tội, sự ăn năn hối cải của bị can như thế nào (nếu bị can nhận tội). Trường hợp bị can không nhận tội, luật sư nghiên cứu biên bản hỏi cung bị can để nắm được các lý lẽ, chứng cứ mà bị can đưa ra để bào chữa cho mình, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo như hoàn cảnh phạm tội, nguyên nhân, điều kiện phạm tội, động cơ, mục đích phạm tội, nhân thân bị can;
Khi đọc biên bản hỏi cung bị can, luật sư sẽ kiểm tra về thủ tục tố tụng, tập trung vào những điểm sau :
+ Biên bản hỏi cung đầu tiên có ghi phần giải thích quyền và nghĩa vụ cho bị can không;
+ Biên bản hỏi cung có bị tẩy xoá, sửa chữa không. Nếu bị sửa chữa thì có chữ ký xác nhận của bị can hay không,
– Đọc biên bản ghi lời khai của người làm chứng
Luật sư đọc biên bản ghi lời khai của người làm chứng để hiểu rõ sự việc phạm tội xảy ra có những người nào biết, họ xác nhận về các tình tiết của sự việc như thế nào. Trên cơ sở đó, luật sư sử dụng những lời khai của người làm chứng để bảo vệ cho bị cáo hoặc đương sự. Luật sư sẽ lưu ý một số điểm sau :
+ Phải xác định xem người làm chứng trực tiếp hay gián tiếp biết được các tình tiết của vụ án;
+ Mối quan hệ giữa người làm chứng với bị can, người bị hại;
+ Điều kiện chủ quan (tinh thần, tuổi tác, nghề nghiệp, khả năng tiếp thu thông tin, nhận thức của người làm chứng…) và điều kiện khách quan (không gian, thời gian, thời tiết, ánh sáng, âm thanh…) khi người làm chứng tiếp nhận tin tức.
+ Những tình tiết trong lời khai cần sử dụng khi bảo vệ cho thân chủ; những điểm mâu thuẫn trong lời khai giữa các lần khai khác nhau.
Thông thường, những lời khai ban đầu thường chính xác về sự việc, những lời khai sau nếu bổ sung thêm các tình tiết làm rõ lời khai ban đầu thì đáng tin cậy. Nếu lời khai sau lại có nội dung khác hẳn lời khai ban đầu thì có thể người làm chứng bị mua chuộc hoặc do nhiều nguyên nhân khác làm lời khai không chính xác. Tuy nhiên, cũng có trường hợp lời khai sau lại chính xác hơn vì người làm chứng đã nhớ lại được thực chất sự việc xảy ra. Do đó, muốn xác định tính chính xác trong lời khai của người làm chứng thì phải đối chiếu nó với các chứng cứ khác trong vụ án.
– Đọc biên bản ghi lời khai của người bị hại
Luật sư đọc biên bản ghi lời khai của người bị hại để nắm vững diễn biến của tội phạm, các hành vi thực hiện tội phạm của bị can, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, quan điểm của người bị hại yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại. Đối chiếu giữa lời khai của các lần với nhau, giữa lời khai của người bị hại với lời khai của bị can, lời khai của người làm chứng xem có điểm nào phù hợp hay mâu thuẫn. Nếu bào chữa cho bị can, luật sư phải ghi lại những điểm mâu thuẫn trong lời khai của người bị hại để đề nghị TA bác bỏ. Nếu bảo vệ cho người bị hại, luật sư cần ghi lại những tình tiết xác định hành vi phạm tội của bị can và các chứng cứ xác định việc bồi thường thiệt hại là có cơ sở.
– Đọc biên bản đối chất
Luật sư đọc những biên bản này để có cơ sở đánh giá những lời khai còn mâu thuẫn.
Nghiên cứu các biên bản khám xét, khám nghiệm hiện trường, thu thập vật chứng, biên bản nhận dạng, biên bản thực nghiệm điều tra…
Luật sư sẽ kiểm tra thủ tục tố tụng đối với các loại biên bản xem có đúng quy định của pháp luật hay không như có ghi người chứng kiến hay không, những đồ vật cần niêm phong có chữ ký của chủ đồ vật hay không…
Đối với các hoạt động điều tra có mục đích thu thập vật chứng, luật sư sẽ chú ý nơi và cách thức thu thập vật chứng, các đặc điểm riêng của vật chứng, quá trình thu thập vật chứng (qua khám xét, khám nghiệm hiện trường hay do người nào mang đến nộp). Luật sư cũng cần so sánh vật chứng với các chứng cứ khác xem có phù hợp hay không để xác định giá trị chứng minh của nguồn chứng cứ này.
Nghiên cứu kết luận giám định
Luật sư kiểm tra xem các điều kiện để ra kết luận giám định có bảo đảm không (số lượng, chất lượng các đồ vật, tài liệu gửi đi giám định…); các phương pháp được sử dụng để giám định có cơ sở khoa học hay không. Luật sư so sánh kết luận giám định với các chứng cứ khác của vụ án để đánh giá độ chính xác của kết luận giám định. Nếu thấy kết luận giám định không có cơ sở tin cậy thì ghi lại và đề nghị với TA yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại.
Kiểm tra giấy tờ về lý lịch của bị can, bị cáo
Luật sư đọc lý lịch bị can, bị cáo, thông báo tàng thư căn cước can phạm để hiểu về nhân thân của họ; cần ghi tóm tắt hoàn cảnh gia đình, điều kiện sống của bị can, bị cáo. Đặc biệt, chú ý những điểm về nhân thân bị can, bị cáo mà luật sư sẽ đề nghị TA chấp nhận là tình tiết giảm nhẹ hoặc xem xét khi quyết định hình phạt nếu bào chữa cho bị cáo.
Trường hợp luật sư bảo vệ cho người bị hại thì sẽ sử dụng những đặc điểm xấu về nhân thân bị cáo như những lần vi phạm pháp luật bị xử lý hành chính, bị Tòa án xét xử…
Đọc biên bản giao nhận cáo trạng
Nghiên cứu các loại giấy tờ, tài liệu khác
Tuỳ thuộc vào từng vụ án cụ thể sẽ có các loại giấy tờ, tài liệu khác để làm rõ các tình tiết của vụ án như: các biên bản xác minh của CQĐT, VKS; các nhận xét và đề nghị của các cơ quan,đoàn thể; các đơn từ khiếu nại và yêu cầu của những người tham gia tố tụng… Luật sư sẽ nghiên cứu kỹ các tài liệu này nhằm tìm ra những chứng cứ có lợi cho người mình bảo vệ, bác bỏ những điểm mẫu thuẫn, bất hợp lý trong các chứng cứ bất lợi để đề nghị Tòa án bác bỏ.
2. Luật sư gặp, trao đổi với bị can, bị cáo
Trong thời gian chuẩn bị xét xử, luật sư cần gặp và trao đổi với bị can, bị cáo để hiểu rõ hơn nữa sự thật vụ án, động viên và giải thích pháp luật cho bị can, bị cáo, thống nhất phương án bào chữa tại phiên toà.
3. Luật sư thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa
Nhiệm vụ của luật sư là bảo vệ tối đa các quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, … Vì vậy, các tài liệu, đồ vật, tình tiết mà luật sư định thu thập phải là những tài liệu, đồ vật, tình tiết có lợi đối với bị can, bị cáo để chứng minh bị can, bị cáo không có tội, phạm tội nhẹ hơn hoặc được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, giảm nhẹ mức bồi thường.
Để thu thập được các tài liệu cần thiết, luật sư có thể sử dụng một số cách thức sau: yêu cầu bị can, người thân thích của bị can cung cấp các tài liệu liên quan đến vụ án mà họ có hoặc đến các cơ quan, tổ chức, gặp cá nhân có liên quan đề nghị cung cấp, luật sư có thể thu thập ý kiến của những người có liên quan (ví dụ: thu thập bản tường trình của những người hàng xóm của bị can để chứng minh người bị hại đã có hành vi xâm hại quyền lợi của gia đình bị can trước khi tội phạm xảy ra…), chụp ảnh, quay phim nơi xảy ra tội phạm để tìm những tình tiết có lợi cho việc bào chữa…
Sau khi thu thập được các tài liệu, đồ vật, tình tiết cần thiết, luật sư phân tích, đánh giá các tài liệu đó, tìm ra những điểm có ý nghĩa đối với việc bào chữa và đề xuất, thuyết phục Thẩm phán, HĐXX đồng ý với những đánh giá của mình để ra những quyết định có lợi cho bị cáo.
4. Luật sư trao đổi, đề xuất với Tòa án
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án, luật sư có thể trao đổi, đề xuất với tòa án (TA) nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người mà mình bào chữa, bảo vệ. Thông thường, luật sư cần trao đổi, đề xuất với TA trong các trường hợp sau đây:
Trường hợp cần đề nghị Toà án trả hồ sơ điều tra bổ sung
Trong những trường hợp sau đây, luật sư cần đề xuất với TA trả hồ sơ điều tra bổ sung:
– Khi luật sư thấy trong hồ sơ thiếu những chứng cứ quan trọng, nếu đưa vụ án ra xét xử có thể dẫn đến việc kết tội oan hoặc làm cho bị cáo phải chịu mức hình phạt cao hơn (nếu bào chữa cho bị cáo);
– Khi luật sư thấy có căn cứ cho rằng bị cáo phạm một tội nặng hơn, thiệt hại mà hành vi phạm tội của bị cáo gây ra lớn hơn (nếu luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại). Trường hợp thấy có đầy đủ chứng cứ để khẳng định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi của bị can không cấu thành tội phạm thì luật sư không đề nghị TA trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc đình chỉ vụ án mà cần đề xuất với TA mở phiên toà sơ thẩm và tuyên bị cáo không có tội.
– Khi thấy có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho kết quả điều tra không chính xác, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ.
Khi cần nhập hoặc tách vụ án
Khi thấy vụ án mà mình có trách nhiệm bảo vệ cho thân chủ nếu được nhập vào để xét xử trong một vụ án khác hoặc cần tách ra để xét xử sau thì đúng pháp luật và bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của thân chủ thì đề nghị với TA giải quyết.
Khi cần triệu tập người làm chứng quan trọng đến phiên toà
Khi nghiên cứu hồ sơ luật sư thấy người làm chứng quan trọng có lời khai buộc tội cho bị cáo những lời khai này có nhiều điểm chưa rõ hoặc có mâu thuẫn với các chứng cứ khác trong vụ án nếu người làm chứng này không có mặt thì TA có thể xác định sai sự thật của vụ án, không có lợi cho người mà mình bảo vệ. Với trường hợp này, luật sư cần đề nghị TA triệu tập người làm chứng đó đến phiên toà để xét hỏi, làm sáng tỏ sự thật của vụ án. Ngoài ra, khi thấy TA chưa triệu tập những người làm chứng mà lời khai của họ có lợi cho thân chủ của mình thì luật sư cũng đề xuất với TA triệu tập những người làm chứng đó.
Khi cần phải thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn đối với bị can, bị cáo
Trong trường hợp thấy việc tạm giam bị can, bị cáo là không có căn cứ hoặc không còn cần thiết nữa như tạm giam bị cáo từ 14 – 16 tuổi phạm tội nghiêm trọng, tạm giam bị cáo từ 16 – 18 tuổi phạm tội nghiêm trọng do vô ý hoặc bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng, thành khẩn khai báo, mắc bệnh nặng cần phải được chữa bệnh, việc tạm giam bị cáo không cần thiết nữa thì luật sư phải đề nghị với TA huỷ bỏ việc tạm giam để trả tự do cho bị can, bị cáo. Nếu xét thấy cần thiết, luật sư đề xuất với TA áp dụng các biện pháp ngăn chặn ít nghiêm khắc hơn như biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, biện pháp bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm.
Cần trung cầu giám định khi có nghi ngờ về năng lực chịu trách nhiệm hình sự của bị cáo (nếu bào chữa cho bị cáo)
Trong trường hợp nghi ngờ bị cáo bị mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của họ thì luật sư đề nghị TA trưng cầu giám định pháp y về năng lực trách nhiệm hình sự của họ.
Khi cần đề xuất về địa điểm và phạm vi phiên tòa
Trong một số trường hợp, thân chủ có nguyện vọng phiên tòa được tổ chức tại trụ sở Tòa án mà không phải là bị đưa đi xét xử lưu động tại các địa điểm công cộng, có khách hàng đề xuất
với luật sư vụ án xét xử kín để tránh sự tham gia của đông người, của các cơ quan thông tấn báo chí. Vì sự có mặt và đưa tin của các cơ quan thông tấn báo chí có khả năng ảnh hưởng đến các quyền về hình ảnh, quyền về bí mật đời tư của khách hàng, thậm chí gây thiệt hại cho uy tín, danh dự và các quyền lợi kinh tế của khách hàng. Do vậy, trong các trường hợp trên, luật sư sẽ đề xuất trước với Tòa án quyết định các vấn đề này khi đưa vụ án ra xét xử.
Ngoài ra, trong những vụ án liên quan đến người già, người chưa thành niên, những vụ án về các tội phạm liên quan đến tình dục… luật sư sẽ chủ động đề xuất các nội dung trên với Tòa án để bảo đảm quyền lợi cho thân chủ, đồng thời giảm tín căng thẳng và các áp lực, ức chế không cần thiết đối với luật sư và thân chủ trong những phiên tòa lưu động, những phiên tòa có quá đông người hoặc có sự tham gia nhiều của các cơ quan thông tấn báo chí.
5. Luật sư chuẩn bị tham gia phiên toà
Chuẩn bị kế hoạch xét hỏi tại phiên toà
Kế hoạch xét hỏi phải được xây dựng trên cơ sở bản luận cứ bào chữa, phục vụ cho định hướng bào chữa.
Chuẩn bị luận cứ bào chữa
Luận cứ bào chữa của luật sư là tài liệu thể hiện tập trung nhất kết quả nghiên cứu hồ sơ và kết quả các hoạt động khác của luật sư trước khi mở phiên toà.
Trường hợp bào chữa cho bị cáo theo hướng chuyển sang tội danh nhẹ hơn, luật sư sẽ dựa vào cấu thành tội phạm của tội nhẹ hơn để từ đó phân tích, lập luận nhằm thuyết phục HĐXX. Việc bào chữa cho bị cáo theo hướng này thường gặp đối với những nhóm tội mà các tội danh trong nhóm tội đó có cấu thành tội phạm gần giống nhau.
Trường hợp bào chữa cho bị cáo theo hướng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự luật sư sẽ chú ý đưa ra những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại BLHS cần áp dụng đối với bị cáo cũng như các tình tiết bị cáo được hưởng theo chính sách pháp luật của nhà nước.
Trường hợp bào chữa theo hướng yêu cầu điều tra bổ sung, luật sư cần chú ý phân tích các tài liệu, chứng cứ để làm rõ trong hồ sơ vụ án còn thiếu những tài liệu quan trọng không thể bổ sung tại phiên toà được hoặc nội dung những tài liệu quan trọng chưa chính xác.
Chuẩn bị các tài liệu cần thiết khác
Xem thêm :
- Luật sư tư vấn pháp luật hình sự ở giai đoạn khởi tố vụ án, khởi tố bị can
- Luật sư tư vấn pháp lý hình sự ở giai đoạn điều tra
- Luật sư tư vấn pháp luật hình sự ở giai đoạn truy tố
- Vai trò của luật sư ở phiên tòa xét xử vụ án hình sự
Liên hệ luật sư tư vấn hình sự : 0913 597 479 ; 0904 902 429