Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội bị xử lý như thế nào ?

1083

Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội xâm phạm đến hai khách thể : đó là hoạt động đúng đắn của các cơ quan điều tra, truy tố quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

A. Các dấu hiệu pháp lý của tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội

1) Khách thể của tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội

Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội xâm phạm đến hại khách thể, đó là hoạt động đúng đắn của các cơ quan điều tra, truy tố quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

2) Mặt khách quan của tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội

Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội là hành vi của người không có thẩm quyền trong tư pháp hình sự đã khởi tố, kết luận điều tra hoặc truy tố đối với người mà mình biết rõ là không phạm tội. Đó là sự vi phạm nghiêm trọng từ phía cán bộ, nhân viên tư pháp trong hoạt động công vụ của mình, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự trái với ý nghĩa và mục đích của chúng. Hành vi phạm tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội được thực hiện bằng việc ra quyết định khởi tố bị can, ra bản kết luận điều tra hoặc bản cáo trạng đối với người không có tội.

Người không có tội ở đây được hiểu là: người trên thực tế không gây ra tội phạm, không thực hiện hành vi phạm tội được quy định trong BLHS; hoặc trong hành vi của họ có tính nguy hiểm cho xã hội nhưng không đáng kể; người thực hiện hành vi chưa đạt đến tuổi chịu TNHS hay mất năng lực TNHS; người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội không có lỗi, người thực hiện hành vi trong trường hợp phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết; người có hành vi phạm tội nhưng đã hết thời hiệu truy cứu TNHS, .v.v..

Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội là tội phạm có cấu thành hình thức. Tội phạm hoàn thành từ thời điểm quy kết TNHS bằng các quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp như quyết định khởi tố bị can, ra bản kết luận điều tra, bản cáo trạng với đầy đủ dấu và chữ ký của cán bộ tư pháp có thẩm quyền.

3) Chủ thể của tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội

Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, đó là điều tra viên, kiểm sát viên được phân công điều tra, kiểm sát điều tra (kể cả những người khác có thẩm quyền truy cứu TNHS như Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân các cấp, Cán bộ, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động, điều tra theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự.

4) Mặt chủ quan của tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội

Tội phạm được thực hiện dưới dạng lỗi cố ý trực tiếp.

Người phạm tội bằng kiến thức, trình độ và khả năng của mình, nhận thức được việc mình làm là trái pháp luật nhưng vẫn cứ tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người mình biết rõ là không có tội.

Động cơ phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc để định tội và có thể là rất khác nhau : tư thù, tư lợi, thành tích chủ nghĩa.

B. Khung hình phạt đối với tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội

Điều 368. Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội

1. Người nào có thẩm quyền mà truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là không có tội, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

b) Đối với 02 người đến 05 người;

c) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;

d) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

đ) Dẫn đến việc kết án oan người vô tội về tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Đối với 06 người trở lên;

b) Dẫn đến việc kết án oan người vô tội về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

d) Làm người bị truy cứu trách nhiệm hình sự oan tự sát.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Xem thêmTội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội bị xử lý như thế nào ?

Liên hệ luật sư tư vấn hình sự : 0913 597 479  ; 0904 902 429