MỤC LỤC
Vai trò của luật sư trong giai đoạn khởi kiện vụ án lao động
1. Tiếp xúc, trao đổi với khách hàng
Luật sư sẽ phải tiếp xúc, trao đổi với khách hàng để nắm được nội dung vụ tranh chấp và các yêu cầu cụ thể của khách hàng để xác định khởi kiện hay không nên khởi kiện. Do đặc thù của tranh chấp lao động, khi tiếp xúc, trao đổi với khách hàng luật sư sẽ làm rõ được những vấn đề cơ bản sau :
Thứ nhất : làm rõ mối quan hệ giữa hai bên. Luật sư sẽ làm rõ xem giữa các bên có ký hợp đồng lao động không ? Nếu có thì hợp đồng được giao kết bằng lời nói hay bằng văn bản; thời hạn của hợp đồng, tiền lương, công việc, địa điểm làm việc; các bên đã giao kết mấy bản hợp đồng lao động… Việc làm rõ này giúp Luật sư có thể xác định chính xác xem quan hệ giữa các bên là quan hệ lao động hay quan hệ dân sự, hành chính.
Thứ hai : làm rõ nội dung tranh chấp giữa các bên. Trước khi đưa ra lời khuyên cho khách hàng, Luật sư sẽ xác định được tranh chấp giữa các bên là tranh chấp gì (tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; tranh chấp về kỷ luật sa thải hay tranh chấp về bồi thường phí đào tạo…). Khi làm rõ nội dung tranh chấp, Luật sư sẽ lưu ý làm rõ nguyên nhân dẫn đến tranh chấp giữa các bên, thời điểm xảy ra sự kiện pháp lý dẫn đến tranh chấp và thủ tục các bên tiến hành (thủ tục kỷ luật sa thải, thủ tục đơn phương…).
Thứ ba : làm rõ yêu cầu của khách hàng là gì, muốn bồi thường tiền lương trong những ngày không được làm việc, nhận tiền trợ cấp thôi việc hay muốn được trở lại làm việc ? thứ tự ưu tiên các yêu cầu của khách hàng. Từ việc xác định rõ yêu cầu của khách hàng, Luật sư có thể đưa ra lời khuyên thích hợp cho khách hàng.
2. Kiểm tra điều kiện khởi kiện vụ án lao động của khách hàng
Sau khi trao đổi với khách hàng về nội dung vụ tranh chấp, về cơ bản, luật sư đã phần nào nắm được nội dung vụ tranh chấp, các yêu cầu cụ thể của khách hàng. Nếu khách hàng quyết định khởi kiện vụ án lao động thì Luật sư cần kiểm tra điều kiện khởi kiện của khách hàng. Thông thường, khi giúp khách hàng khởi kiện một tranh chấp lao động, ngoài việc kiểm tra những điều kiện khởi kiện khác như sự việc thuộc thẩm quyền của Tòa án; sự việc chưa được giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền. Luật sư sẽ kiểm tra những điều kiện khởi kiện đặc thù sau :
Thứ nhất : Khách hàng có quyền khởi kiện vụ án lao động không ?
Khi kiểm tra quyền khởi kiện của khách hàng trong vụ án lao động, luật sư sẽ lưu ý từng đối tượng cụ thể:
– Khách hàng khởi kiện là người lao động: Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS), người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên có quyền tự mình khởi kiện. Đây là điểm khác với chủ thể khởi kiện trong hầu hết các tranh chấp dân sự, tranh chấp kinh doanh, thương mại. Nếu người lao động dưới 15 tuổi (trong trường hợp họ được tham gia một số quan hệ lao động) có quyền, lợi ích bị xâm phạm thì phải khởi kiện thông qua người đại diện hợp pháp (cha mẹ, người giám hộ).
– Khách hàng khởi kiện là tập thể lao động: nếu ở doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở thì đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở là chủ thể đại diện hợp pháp cho tập thể lao động để khởi kiện vụ tranh chấp lao động tập thể về quyền đến Toà án. Nếu ở doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở thì đại diện Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là chủ thể đại diện cho tập thể lao động khởi kiện đến Toà án.
– Khách hàng khởi kiện là người sử dụng lao động: Nếu người sử dụng lao động là cá nhân thì họ phải trực tiếp ký vào đơn khởi kiện. Nếu người sử dụng lao động là cơ quan, tổ chức thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký vào đơn khởi kiện.
Thứ hai : Điều kiện hòa giải cơ sở
Theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019 và BLTTDS thì về nguyên tắc, đối với những tranh chấp lao động cá nhân, Tòa án chỉ thụ lý giải quyết khi tranh chấp đó đã được chủ thể có thẩm quyền tiến hành hoà giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hoà giải không thành hoặc không hoà giải trong thời hạn do pháp luật quy định, trừ các tranh chấp sau đây không nhất thiết phải qua hoà giải tại cơ sở:
– Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
– Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động và người sử dụng lao đa về trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động,
– Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
– Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về lao động;
– Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đối với tranh chấp lao động tập thể về quyền giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động: Toà án chỉ thụ lý nếu tranh chấp đó đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết mà tận thể lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không giải quyết.
Do đó, khi kiểm tra điều kiện khởi kiện của khách hàng, luật sư sẽ lưu ý:
– Đối với tranh chấp lao động cá nhân: Luật sư cần xác định xem tranh chấp của khách hàng có bắt buộc phải qua hòa giải cơ sở không? Để biết được tranh chấp của khách hàng có bắt buộc phải qua hòa giải cơ sở không, Luật sư cần xác định được chính xác xem tranh chấp mà khách hàng muốn khởi kiện tại Tòa án là tranh chấp gì (tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; tranh chấp về kỷ luật lao động theo hình thức sa thải; tranh chấp về đòi bồi thường phí đào tạo hay tranh chấp về hợp đồng lao động…?). Nếu tranh chấp của khách hàng là tranh chấp bắt buộc phải qua hòa giải cơ sở, luật sư cần tư vấn để khách hàng làm đơn yêu cầu chủ thể có thẩm quyền hoà giải ở cơ sở’ tiến hành hòa giải trước khi làm đơn khởi kiện đến Toà án. Chỉ khi chủ thể có thẩm quyền đã hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hoà giải thông thành hoặc tranh chấp không được hoà giải trong thời hạn do pháp luật quy định thì luật sư mới tư vấn để khách hàng khởi kiện đến Toà án.
– Đối với tranh chấp lao động tập thể về quyền: Luật sư cần kiểm tra xem tranh chấp đó đã được Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết chưa? Nếu tranh chấp chưa được Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết thì Luật sư cần tư vấn để khách hàng làm đơn yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết. Chỉ sau khi Chủ tịch UBND đã giải quyết nhưng các bên không đồng ý hoặc quá thời hạn luật định mà Chủ tịch UBND không giải quyết thì Luật sư mới tư vấn để khách hàng khởi kiện.
Theo quy định của BLTTDS thì khi xem xét quyết định thụ lý một tranh chấp lao động, Toà án sẽ không kiểm tra điều kiện thời hiệu khởi kiện. Tuy nhiên, luật sư sẽ căn cứ vào Bộ luật Lao động năm 2019 để kiểm tra thời hiệu khởi kiện. Nếu tranh chấp của khách hàng đã hết thời hiệu khởi kiện thì luật sự cần trao đổi để khách hàng biết vì đây là căn cứ để Toà án đình chỉ giải quyết vụ án.
3. Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện vụ án lao động cho khách hàng
Sau khi trao đổi, tiếp xúc và kiểm tra điều kiện khởi kiện của khách hàng, nếu khách hàng quyết định khởi kiện thì luật sư sẽ giúp khách hàng chuẩn bị hồ sơ khởi kiện.
Chuẩn bị đơn khởi kiện vụ án lao động
Tài liệu cần thiết đầu tiên trong hồ sơ khởi kiện là đơn khởi kiện. Cũng giống như đơn khởi kiện trong các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, về nguyên tắc, đơn khởi kiện trong các vụ án lao động cũng phải có đầy đủ nội dung được quy định tại BLTTDS. Luật sư có thể làm đơn khởi kiện giúp khách hàng (nếu được khách hàng uỷ quyền) hoặc kiểm tra đơn khởi kiện mà khách hàng đã viết và giúp họ sửa lại nếu thấy cần thiết.
Tài liệu, chứng cứ nộp kèm theo đơn khởi kiện vụ án lao động
Cùng với đơn khởi kiện, luật sư cần giúp khách hàng các tài liệu cần thiết nộp kèm theo đơn để chứng minh yêu cầu khởi kiện của khách hàng là có căn cứ và hợp pháp. Trong vụ án lao động, tùy thuộc vào tranh chấp mà khách hàng khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết là tranh chấp gì mà Luật sư hướng dẫn khách hàng các tài liệu cần thiết. Nhưng nhìn chung, trong vụ án lao động, tài liệu cần gửi kèm theo đơn kiện thông thường bao gồm:
– Tài liệu chứng minh tư cách người khởi kiện: chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu.
– Tài liệu chứng minh giữa 2 bên tồn tại quan hệ lao động: hợp đồng lao động, phụ lục hợp đồng lao động…
– Tài liệu chứng minh sự kiện tranh chấp giữa các bên: Quyết định kỷ luật sa thải (đối với tranh chấp về kỷ luật lao động theo hình thức sa thải); Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động (đối với tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động); Bản cam kết về thời gian làm việc bắt buộc cho doanh nghiệp sau khi học (đối với tranh chấp về đòi bồi thường phí đào tạo)…..
Ngoài ra, tùy thuộc tranh chấp của khách hàng là tranh chấp cá nhân hay tranh chấp tập thể, có bắt buộc phải qua hòa giải cơ sở hay không mà Luật sư cần hướng dẫn khách hàng nộp kèm theo Biên bản hòa giải không thành hoặc giấy tờ chứng minh các bên đã yêu cầu hoà giải nhưng không được hoà giải trong thời hạn luật định hoặc giấy tờ chứng minh tranh chấp đã hoà giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng biên bản hoà giải thành (đối với tranh chấp lao động cá nhân); Quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc giấy tờ chứng minh các bên đã yêu cầu nhưng không được Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết trong thời hạn luật định (đối với tranh chấp lao động tập thể về quyền).
Xem thêm :
- Vai trò của luật sư trong giai đoạn chuẩn bị tham gia phiên tòa lao động
- Vai trò của luật sư trong quá trình hòa giải
- Vai trò của luật sư trong giai đoạn nghiên cứu hồ sơ vụ án
- Vai trò của luật sư trong giai đoạn thu thập chứng cứ
Nhấn vào đây để quay về chuyên trang luật sư tư vấn lao động hoặc liên hệ luật sư tư vấn lao động : 0904 902 429 0913 597 479